|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Người dân chung cư đang mất dân chủ vì lợi ích của doanh nghiệp'

09:11 | 18/03/2018
Chia sẻ
Nhà báo Trần Đăng Tuấn khẳng định người dân ở nhiều khu chung cư hiện nay đang mất dân chủ do lợi ích của doanh nghiệp.

Trong buổi Lễ phát động cuộc thi viết và thi ảnh với chủ đề “Nơi tôi sống” (do ReatimesGia đình Mới tổ chức) mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết chính ông được giao đầu tư tòa nhà chung cư cao 9 tầng đầu tiên của Hà Nội và cả nước vào năm 1998.

nguoi dan chung cu dang mat dan chu vi loi ich cua doanh nghiep
Toàn cảnh buổi Lễ phát động cuộc thi viết và thi ảnh mang chủ đề "Nơi tôi sống". (Ảnh: Hiếu Quân)

“Chúng tôi được giao nhiệm vụ từ khâu thiết kế, quyết định giá bán và cách thức vận hành tòa nhà như thế nào... Thời kỳ đó, trải qua hai năm chúng tôi mới bán được 144 căn hộ, các căn còn lại thì mãi không bán hết bởi khi ấy chỉ người nghèo mới ở chung cư, người dân thủ đô chủ yếu ở nhà tập thể cũ được phân, hoặc người có chút tiền thì thường mua đất xây nhà”, ông Nguyễn Mạnh Hà nhắc lại những năm đầu trong lịch sử hình thành nhà chung cư tại đô thị.

Bán được nhà chưa phải việc khó nhất, điều quan trọng hơn là nghĩ cách để chung cư sống được, để tòa nhà vận hành và “sống” giống như một con người: sinh ra, lớn lên và có các mối quan hệ xã hội...

nguoi dan chung cu dang mat dan chu vi loi ich cua doanh nghiep
Ông Nguyễn Mạnh Hà nói, hiện đã có tiêu chuẩn chấm chung cư loại 1, 2, 3 dựa trên các chỉ tiêu xây dựng nhưng vẫn chưa có các tiêu chí để chấm văn hóa cho chung cư. (Ảnh: Hiếu Quân)

Từng là Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, được giao soạn thảo rất nhiều chính sách, nghị định quản lý nhà chung cư, ông Hà nhận định, sau hơn 20 năm, hiện đã có hàng vạn chung cư được xây dựng tại Hà Nội, TP HCM và trên cả nước. Về công tác quản lý vận hành nhà chung cư, mọi người đều phải có trách nhiệm, nhà quản lý, chủ đầu tư phải có tâm, luật lệ phải rõ ràng.

“Việt Nam xưa có bao nhiêu vạn làng xã nhưng không phải làng nào cũng giàu, trong khi có làng làm ăn tấn tới thì cũng có làng vẫn còn nhà tranh vách đất... Ngày nay đất chật người đông, phát triển chung cư là xu thế tất yếu. Ban quản trị tòa chung cư cũng phải có sự thống nhất chung thì mới đưa tập thể đi lên được. Hiện đã có tiêu chuẩn chấm chung cư loại 1, 2, 3 dựa trên các chỉ tiêu xây dựng nhưng vẫn chưa có các tiêu chí để chấm văn hóa cho chung cư”, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản nêu quan điểm.

Về thực trạng phát triển chung cư hiện nay, nhà báo Trần Đăng Tuấn nói tới chính tòa nhà nơi ông đang ở: “Thiết kế 24 tầng nhưng thực tế lại có tầng thứ 25. Tầng thượng vốn là nơi cho trẻ con chơi thì tại đây bây giờ đang diễn ra một “cuộc chiến”. Họ kê chật bàn ghế để làm thành quán cà phê...”.

nguoi dan chung cu dang mat dan chu vi loi ich cua doanh nghiep
Nhà báo Trần Đăng Tuấn là thành viên trong Hội đồng giám khảo cuộc thi "Nơi tôi sống". Ảnh: BTC

Nhà báo cho rằng, văn hóa chung cư thực ra liên quan mật thiết đến vấn đề dân chủ của người dân, người dân chung cư hiện nay đang mất dân chủ lợi ích của doanh nghiệp. Trước nay dư luận luôn bàn chủ yếu về vấn đề kiến trúc, xây dựng, nhưng thực ra vấn đề chính yếu nhất chính là dân chủ, nếu phát huy được dân chủ thì tòa chung cư đó mới là nơi đáng sống.

Đồng quan điểm, nhà văn Trần Thanh Cảnh – một người từng kinh qua công việc kinh doanh đất đai – cũng khẳng định, hiện nay ngay cả những chung cư cao cấp cũng chứa quá nhiều người, không còn chỗ cho trẻ em chơi, cho người già tập thể dục.

“Chung cư cao cấp giờ phải gọi là ổ chuột cao cấp. Không gian không đủ thì lấy cái gì để xây dựng văn hóa? Để xây dựng văn hóa làng xã xưa cũng cần có không gian rồi mới có hương ước. Để chung cư ngày nay phát triển bền vững thì doanh nghiệp cần cố gắng cân bằng giữa lợi nhuận và văn hóa, phải duy trì những khoảng không gian cần thiết... Và để đảm bảo những điều này thì vai trò quản lý của nhà nước là quan trọng nhất”, nhà văn nhấn mạnh.

Hiếu Quân