Ngưng khai thác cát để cứu đồng bằng sông Cửu Long
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) nhấn chìm 16 căn nhà, xảy ra ngày 24-4 - Ảnh: Tiến Trình |
Theo các đại biểu, nếu không ngừng khai thác cát, ĐBSCL sẽ lâm nguy trong vài chục năm tới.
"Thậm chí phải tính đến phương án chuyển cát từ miền Trung vào để củng cố cho khu vực ven biển Tây Nam Bộ". Kỹ sư Tôn Thất Vĩnh đề nghị |
Sạt lở ngày càng nghiêm trọng
Theo các chuyên gia thủy lợi, chuyện những dòng sông “bên lở, bên bồi” vốn là hiện tượng tự nhiên ở ĐBSCL do ảnh hưởng của các điều kiện về thủy văn, dòng chảy.
GS.TSKH Nguyễn Ân Niên (chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM) kể ông vẫn còn nhớ như in vụ sạt lở nhấn chìm trụ sở HĐND huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) xảy ra ngày 6-4-1992.
“Hồi đó tôi mới chân ướt chân ráo vào miền Nam thì đã gặp ngay vụ sạt lở nhớ đời, giờ nhắc lại vẫn còn thấy hãi hùng” - ông Niên kể. Tuy nhiên, theo ông Niên, tình hình sạt lở ở ĐBSCL từ năm 2000 trở về trước chưa nhiều như bây giờ.
Báo cáo nghiên cứu của Viện Kỹ thuật biển tại hội thảo cho thấy từ năm 2005 đến nay tình hình xói lở bờ sông Tiền, đoạn chảy qua tỉnh Đồng Tháp diễn ra với cường độ mạnh, quy mô rộng lớn và diễn biến phức tạp theo không gian và thời gian.
“Trên 122,9km chiều dài dòng chính sông Tiền thuộc địa bàn Đồng Tháp có đến 101km bị xói lở. Từ năm 2005 - 2016 diện tích đất bờ sông Tiền (chưa kể cồn bãi) bị nước cuốn trôi mất gần 300ha, tổng thiệt hại về nhà cửa, di dời dân ước tính khoảng 320 tỉ đồng” - ông Đỗ Hoài Nam (Viện Kỹ thuật biển) cho biết.
Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Văn Huân cho hay tình trạng sạt lở dọc tuyến sông Hậu cũng hết sức đáng ngại, nhất là từ sau vụ sạt lở ngày 24-4 trên sông Vàm Nao (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) làm thiệt hại 16 căn nhà và hàng chục căn nhà khác phải di tản khẩn cấp.
Đó là chưa kể những vụ sạt lở ít nghiêm trọng hơn vẫn thường xuyên xảy ra tại các tuyến sông, rạch ở Cần Thơ, Vĩnh Long và hàng trăm kilômet đê biển dọc các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Các khu vực sạt lở nghiêm trọng Tư liệu: Nguyễn Triều - Đồ họa: Tấn Đạt |
Hết cát là mất đồng bằng
Các nhà khoa học dự hội thảo cùng chung nhận định về cơ chế dẫn đến sạt lở bờ sông khu vực ĐBSCL là do dòng chảy từ thượng nguồn, đặc biệt là dòng chảy lũ có vận tốc lớn vượt quá sức chịu của bùn cát lòng sông.
Tác động của các công trình ở thượng nguồn sông Mekong khiến lượng cát đổ về hạ lưu ít dần dẫn đến thiếu hụt làm cho tình trạng xói lở gia tăng.
Tình trạng thiếu hụt bùn cát cũng khiến những hố xoáy vốn đã hình thành ở đáy sông, các đoạn bờ lõm bị khoét sâu dần tạo ra những hàm ếch và dưới áp lực của bề mặt, chênh lệch thủy triều dẫn đến sạt lở cuốn theo các công trình bên trên.
Đặc biệt, các chuyên gia chỉ đích danh nguyên nhân chủ quan, trực tiếp khiến nạn sạt lở bờ sông trở nên nghiêm trọng là tình trạng khai thác cát quá mức đã “cạo sạch” lòng sông vốn thiếu dần lượng cát bù đắp qua từng năm.
Số liệu nghiên cứu cho thấy lượng bùn cát từ thượng nguồn Mekong về ĐBSCL hiện chỉ khoảng 30 triệu tấn/năm, trong khi khối lượng khai thác cát được cấp phép (chưa kể khai thác trái phép) cũng tương đương con số này.
Để ngăn chặn sạt lở, GS.TSKH Nguyễn Ân Niên đề nghị Hội Thủy lợi Việt Nam và các bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ cấm hoàn toàn việc khai thác cát ở ĐBSCL.
Ông Niên nhắc lại trước đây ở khu vực giữa đất liền và Côn Đảo có một giồng cát rất lớn nhưng bị khai thác vô tội vạ nên nay đã không còn.
Tương tự, kỹ sư Tôn Thất Vĩnh cũng đề nghị cấm hoàn toàn việc khai thác cát để cứu ĐBSCL trước nguy cơ sạt lở được dự báo ngày càng nghiêm trọng trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trước mắt chỉ có thể giảm lượng khai thác cát chứ không thể cấm ngay được vì nhu cầu cát cho xây dựng hiện tại rất lớn mà chưa có vật liệu thay thế.
Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - GS.TSKH Đặng Vũ Minh đánh giá cao các tham luận trình bày tại hội thảo vì theo ông, đây là những ý kiến độc lập, không bị chi phối bởi áp lực nào khác ngoài tâm huyết của người làm khoa học.
“Tôi tin chắc những gì đúc kết từ hội thảo này sẽ cung cấp thêm thông tin, cơ sở khoa học vững chắc để giúp các lãnh đạo trung ương có quyết sách phù hợp vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL” - GS Đặng Vũ Minh nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/