Ngư dân Thanh Hóa ngao ngán vì ngao chết trắng đồng
Ngao chết được thu gom để tránh ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. (Ảnh: Duy Hưng/TTXVN)
Chiều 2/4, đại diện Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã đi khảo sát tình hình ngao chết tại huyện Hậu Lộc.
Tại xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) có 161/248 hộ nuôi ngao bị chết từ 70-100%, còn lại các hộ khác có tỷ lệ ngao chết từ 30-70%. Ước tính ban đầu cả nghìn tấn ngao các loại bị chết. Trên bãi ngao rộng hàng trăm hécta, ngổn ngang xác ngao, vỏ ngao phơi trắng bãi.
Ngao chết được thu gom để tránh ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. (Ảnh: Duy Hưng/TTXVN)
Tranh thủ con nước thủy triều rút xuống, từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều, trên đầm ngao rộng lớn có hàng trăm lao động được các chủ đầm ngao thuê mướn lại khẩn trương ra đầm để nhặt vỏ ngao, gom từng bì vỏ xếp thành từng đống lớn, đợi nước thủy triều lên sẽ có các thuyền gom để đem đi đổ.
Có những gia đình vừa thuê nhặt sạch bãi hôm nay, ngày mai số ngao nằm dưới bùn đất lại ngoi lên và chết trắng bãi. Bao tiền đầu tư vào ngao đã mất trắng, nay mỗi gia đình lại mất thêm hàng chục triệu tiền để thuê nhân công dọn dẹp bãi ngao.
Đầu tư hơn 1 tỷ đồng để nuôi 1,5 ha ngao giống, chị Tô Thị Lợi (thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc) cho biết: "Đau xót lắm, thời điểm này là thời điểm bắt đầu thu hoạch ngao thương phẩm và ngao giống cũng bắt đầu xuất bán thì ngao chết trắng bãi. Toàn bộ số tiền đầu tư hơn 1 tỷ đồng trôi theo con nước. Tới đây gia đình tôi không biết lấy gì để trả nợ ngân hàng."
Có thâm niên gần 10 năm nuôi ngao, cuối năm 2018, gia đình anh Trịnh Văn Kiên (thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc) quyết đầu tư lớn vào con ngao. Gia đình anh đã vay vốn ngân hàng chung với anh em đầu tư nuôi gần 4ha ngao. Nửa tháng trước, nhìn đầm ngao mỗi ngày mỗi lớn, gia đình chị đã nhẩm tính trừ chi phí, trả nợ, gia đình cũng có tiền lãi giắt lưng lên đến vài trăm triệu. Nhưng đến thời điểm này, 70% diện tích nuôi ngao thịt và ngao cúc (ngao giống) của gia đình chị đã trôi đi theo dòng nước biển, thiệt hại chưa thể tính.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Thanh Hóa, từ trung tuần tháng 3 đến nay, tại vùng nuôi ngao tập trung của huyện Hậu Lộc gồm các xã Đa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc có hiện tượng ngao nuôi thuộc mọi kích cỡ gồm ngao giống, ngao thịt, ngao cám chết bất thường với tỷ lệ ngao chết từ 30-70%, cá biệt có hộ tỷ lệ ngao chết trên 70% với quy mô diện tích khoảng gần 60ha (xã Hải Lộc khoảng 40ha, xã Đa Lộc gần 20ha, xã Minh Lộc gần 10ha). Hiện tại, việc ngao chết rải rác vẫn tiếp diễn.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thủy sản kiểm tra ngao chết ở xã Hải Lộc. (Ảnh Duy Hưng/TTXVN)
Ngay sau khi có thông tin ngao chết, Ủy ban Nhân dân huyện Hậu Lộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thu thập 5 mẫu nước, 3 mẫu ngao gửi Chi cục Thú y vùng III (Cục Thú y) để xét nghiệm, đồng thời trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả ngao chết.
Đến ngày 1/4, đã có kết luận từ Chi cục Thú y vùng III cho thấy trong 3 mẫu ngao đều âm tính với ký sinh trùng Perkinsus. Các chỉ tiêu về định lượng Vibrio tổng số ở 5 mẫu nước và 3 mẫu ngao đều trong ngưỡng giới hạn cho phép. Phân tích chỉ tiêu thành phần vô cơ ở 5 mẫu nước đều không phát hiện các chỉ tiêu kim loại asen, chì và thủy ngân. Như vậy, qua các xét nghiệm bệnh và chỉ tiêu môi trường ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã loại trừ nguyên nhân ngao chết do dịch bệnh, vi khuẩn và các yêu tố kim loại nặng.
Đánh giá sơ bộ ban đầu, nguyên nhân chính gây ngao chết là do mật độ thả nuôi quá dày, không gian sinh sống của ngao bị hạn chế và phải cạnh tranh nguồn thức ăn, dẫn tới ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bên cạnh đó, vào thời điểm chuyển mùa từ mùa xuân sang mùa hè, biên độ thời tiết khác biệt giữa đêm và ngày cũng dẫn đến tình trạng ngao chết. Riêng bãi ngao tại xã Đa Lộc có tỷ lệ bùn che phủ cao dẫn đến ngao chết do bị sặc bùn.
Để kịp thời khắc phục và hạn chế thiệt hại do ngao chết và ổn định tình hình sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Hậu Lộc kịp thời tổng hợp tình hình, thống kê thiệt hại, hướng dẫn các hộ nuôi ngao thu gom, xử lý ngao chết bằng cách chôn lấp cách xa khu vực nuôi, tránh ô nhiễm sang các vùng khác.
Ngoài ra, đối với ngao nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm cần có kế hoạch thu hoạch sớm nhằm tránh thiệt hại. Những đầm ngao nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch có biện pháp di chuyển đến vùng có các yếu tố môi trường ổn định. Các bãi nuôi phải được cải tạo sạch trước khi thả giống mới. Địa phương tăng cường công tác kiểm tra yếu tố môi trường, như: độ mặn, PH, nhiệt độ... làm cơ sở dữ liệu quản lý môi trường, dịch bệnh cho các năm tiếp theo đồng thời tiếp tục tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh cho người nuôi ngao…
Có mặt tại bãi ngao xã Hải Lộc, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: "Qua kiểm tra sơ bộ, cho thấy bà con nuôi với mật độ quá dày so với khuyến cáo. Trên thực tế, có chỗ nuôi với mật độ 2.300-2500 con/m2 (trong khi tiêu chuẩn là không quá 500 con/m2). Việc nuôi ngao quá dày khiến lượng thức ăn là phù du, tảo biển ko đủ cho số lượng ngao quá lớn dẫn đến suốt mùa đông ngao không đủ thức ăn, cộng với những thay đổi về thời tiết, khí hậu dẫn đến ngao chết hàng loạt.
Ngành nông nghiệp Thanh Hóa cần tổ chức hội thảo đầu bờ, thông báo và phân tích những điểm mấu chốt làm cho ngao chết để bà con hiểu. Đồng thời khuyến cáo bà con nên nuôi trồng theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chức năng."
Đây không phải lần đầu tại vùng nuôi ngao huyện Hậu Lộc xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt. Trước đó, vào cuối năm 2017, tại đây cũng đã xảy ra hiện tượng ngao chết trắng đồng.
Năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hóa có diện tích nuôi ngao thương phẩm 1.500ha, tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia. Trong đó, huyện Hậu Lộc là địa phương có diện tích nuôi ngao lớn nhất và lâu đời nhất với tổng diện tích nuôi trong quy hoạch là 475ha.