Ngọn nguồn tranh chấp giữa Oceangroup và Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo của ông Hà Văn Thắm
Cổ phiếu OGC tăng kịch trần với khối lượng khủng, ai đã trao tay cổ phần Oceangroup? |
CTCP Tập đoàn Đại Dương (Oceangroup - Mã: OGC) mới đây đã có thông cáo báo chí để thông tin thêm về vụ kiện với Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo do Tòa án nhân dân quận Ba Đình, TP Hà Nội sắp đưa ra xét xử.
Theo đó, Tập đoàn Đại Dương cho biết năm 2014, nguyên Chủ tịch HĐQT của tập đoàn là ông Hà Văn Thắm đã bị bắt để điều tra về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Kết thúc quá trình điều tra, truy tố và xét xử, ngày 4/5/2018, ông Hà Văn Thắm bị tuyên án Tù Chung thân, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 24/10/2014, tổng giá trị khoản tiền mà ông Hà Văn Thắm có nghĩa vụ bồi hoàn cho Nhà nước là gần 900 tỉ đồng.
Ông Hà Văn Thắm - Nguyên Chủ tịch HĐQT Oceangroup và Nguyên Chủ doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo - tại phiên tòa tháng 9/2017. Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ Online |
Ngày 10/8/2018, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định Cưỡng chế Kê biên, xử lý tài sản để kể biên xử lý tài sản của ông Hà Văn Thắm gồm: (i) 68.779.140 cổ phiếu đứng tên Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (do ông Hà Văn Thắm là Chủ doanh nghiệp) tại Tập đoàn Đại Dương; và (ii) 3.333.333 cổ phiếu đứng tên ông Hà Văn Thắm tại Tập đoàn Đại Dương. Tổng số lượng cổ phiếu bị kê biên là hơn 72 triệu.
Ngày 13/8/2018, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội tiếp tục có Công văn số 3362/CTHADS gửi cho Tập đoàn Đại Dương với nội dung: “Tài sản đã bị kê biên, xử lý để thi hành án đảm bảo cho nghĩa vụ của Hà Văn Thắm đối với Nhà nước, vì vậy, Hà Văn Thắm và Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo không được sử dụng tài sản này để tham gia thỏa thuận dưới bất kỳ hình thức nào, trong đó bao gồm cả quyền thỏa thuận với các cổ đông khác tại OGC, không được thực hiện quyền chủ sở hữu, quyền định đoạt, quyền cổ đông (quyền biểu quyết, ứng cử, đề cử và các quyền khác phát sinh từ quyền sở hữu) tại Tập đoàn Đại Dương từ thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi Hà Văn Thắm thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án”.
Ngày 15/8/2018, Tập đoàn Đại Dương tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 lần 3 (do 2 lần đầu không đủ điều kiện tổ chức theo quy định tại Điều lệ), tuân thủ theo đúng nội dung yêu cầu tại các văn bản nêu trên của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, Ban Tổ chức đại hội không chấp nhận quyền biểu quyết của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo tại cuộc họp này.
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 lần 3 đã được tổ chức thành công, tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và Điều lệ Công ty, tỉ lệ biểu quyết tán thành đối với các vấn đề được đưa ra Đại hội cao gần như tuyệt đối (trên 90% tổng số phiếu có quyền biểu quyết). Đại hội đã bầu ra được Hội đồng quản trị mới, giúp ổn định tình hình quản trị của Tập đoàn Đại Dương, bước đầu lấy lại được niềm tin từ các cổ đông, nhà đầu tư. Cổ phiếu OGC trên thị trường chứng khoán đã tăng trưởng tích cực kể từ sau ngày tổ chức thành công Đại hội lần 3 (ngày 15/8/2018).
Sau đó, Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo đã khởi kiện yêu cầu Tòa án Nhân dân quận Ba Đình hủy toàn bộ nghị quyết Đại hội ngày 15/8/2018. Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo cho rằng việc Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Đại Dương không chấp nhận quyền biểu quyết của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo tại Đại hội là sai quy định.
Sau khi nghiên cứu đơn khởi kiện và toàn bộ hồ sơ tài liệu kèm theo mà Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo đã trình nộp cho Tòa án Nhân dân quận Ba Đình, Tập đoàn Đại Dương cho rằng việc Tòa án Nhân dân quận Ba Đình thụ lí đơn khởi kiện của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo là sai quy định pháp luật tố tụng dân sự và Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo không có quyền khởi kiện.
Ngày 8/10/2018, Tập đoàn Đại Dương đã gửi tới Tòa án Nhân dân quận Ba Đình Đơn Đề nghị Khẩn cấp để đề nghị đình chỉ giải quyết vụ việc và trả lại đơn khởi kiện cho Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo.
Trong lúc Tòa án Nhân dân quận Ba Đình còn chưa giải quyết xong nội dung đề nghị của Tập đoàn Đại Dương về việc thụ lý đơn khởi kiện nêu trên thì ngày 10/10/2018, Tập đoàn Đại Dương tiếp tục nhận được Quyết định Áp dụng Biện pháp Khẩn cấp Tạm thời số 114/2018/QĐ-BPKCTT ghi ngày 3/10/2018 của Tòa án Nhân dân quận Ba Đình.
Theo đó, Thẩm phán Trần Thị Tố Thu quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Cấm thực hiện Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 số 02/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 15/08/2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương cho đến khi có quyết định khác theo quy định của pháp luật”.
Ngày 18/10/2018 Tập đoàn Đại Dương nhận được Quyết định số 146/2018/QĐ-BPKCTT về việc Quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân Quận Ba Đình.
Tập đoàn Đại Dương cho rằng việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án Nhân dân quận Ba Đình trong vụ việc này là vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Tập đoàn Đại Dương cũng việc thu hồi tài sản cho Nhà nước bởi theo lập luận của Tập đoàn này, sau khi có Quyết định Áp dụng Biện pháp Khẩn cấp Tạm thời ngày 3/10/2018, giá cổ phiếu OGC đã có nhiều phiên giảm, dẫn tới giảm giá trị của hơn 72 triệu cổ phiếu OGC bị kê biên để thi hành án.
Thực tế, giá cổ phiếu OGC chạm đáy 2.610 đồng/cp ngày 26/10/2018 rồi sau đó có xu hướng đi lên, kết phiên 21/1/2019 ở 3.700 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu OGC từ ngày có Quyết định Áp dụng Biện pháp Khẩn cấp Tạm thời ngày 3/10/2018. Nguồn: VNDirect. |
Ngày 12/10/2018, Tập đoàn Đại Dương đã có Đơn Khiếu nại Khẩn cấp gửi tới ông Chánh án Tòa án Nhân dân quận Ba Đình để yêu cầu xem xét giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật.
Ngày 18/10/2018, Tập đoàn Đại Dương đã nhận được Quyết định Giải quyết Khiếu nại của Chánh án Toà án Nhân dân quận Ba Đình. Theo đó, Chánh án Toà án Nhân dân quận Ba Đình vẫn duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với một phần Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 ngày 15/8/2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương.
Tập đoàn Đại Dương cho rằng việc Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, Tập đoàn Đại Dương và toàn bộ các cổ đông của OGC vì sau khi có thông tin về việc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Tập đoàn Đại Dương, cổ phiếu OGC trên thị trường có chiều hướng đi xuống.