Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bị bãi nhiệm sau 7 tháng nhậm chức
Chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bổ nhiệm nhà ngoại giao hàng đầu đất nước Vương Nghị thay thế ông Tần Cương làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Xinhua đưa tin vào ngày 25/7. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc không đề cập lý do ông Tần bị bãi nhiệm.
Ông Tần (57 tuổi) xuất hiện trước công chúng lần cuối tại Bắc Kinh vào ngày 25/6, khi tham gia cuộc hội đàm với những người đồng cấp từ Việt Nam, Sri Lanka và đối tác thương mại hàng đầu là Nga.
Trong vài năm qua, ông Tần đã nhanh chóng thăng tiến trong bộ máy ngoại giao của Trung Quốc. Ông từng có hai năm làm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, sau đó được thăng chức làm lãnh đạo Bộ Ngoại giao vào tháng 12 năm ngoái, thay thế ông Vương Nghị (69 tuổi).
Ông Vương Nghị được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ 20 và sau đó làm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo CNBC, công chúng đã đặt câu hỏi về sự nghiệp của ông Tần Cương tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau khi ông vắng mặt tại nhiều sự kiện quan trọng.
Ông từng dự kiến sẽ gặp người đứng đầu bộ phận chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell vào đầu tháng 7, nhưng sau đó Bắc Kinh thông báo cho EU rằng ngày đó “không còn khả thi”, Reuters đưa tin.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tần cũng không tham dự cuộc họp tháng 7 với ngoại trưởng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vì lý do sức khoẻ không xác định.
Việc bãi nhiệm ông Tần và bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Vương Nghị diễn ra sau phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc tuần này.
Ông Vương quay trở lại lãnh đạo Bộ Ngoại giao ngay tại thời điểm then chốt đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh từ bỏ các hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt vào đầu năm nay.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng cường các biện pháp kích thích tăng trưởng sau khi dữ liệu chính thức cho thấy GDP quý II chỉ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn kỳ vọng 7,3%.
Trong lĩnh vực ngoại giao ngoại thương, Trung Quốc đang phải đối mặt với một môi trường đầy thách thức. Mỹ và EU đang theo đuổi các chính sách giảm thiểu rủi ro nhằm hạn chế phụ thuộc vào hoạt động sản xuất và chế tạo của Trung Quốc.
Chính quyền ông Tập cũng đang tìm cách nâng cao vị thế trong lĩnh vực hoà giải quốc tế. Gần đây, Bắc Kinh đã đứng ra làm trung gian cho hai quốc gia Trung Đông là Arab Saudi và Iran nối lại quan hệ vào tháng 3.
Bắc Kinh cũng đưa ra một giải pháp hoà bình gồm 12 điểm nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vào dịp kỷ niệm một năm cuộc chiến. Dù đề xuất này chưa thu hút nhiều sự chú ý, một số nhà lãnh đạo châu Âu đã thúc giục Trung Quốc kêu gọi Nga chấm dứt căng thẳng.