|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngoài thoả thuận mua 50 máy bay giá 10 tỷ USD của Vietnam Airlines, các hãng hàng không Việt Nam đang có hợp đồng thuê, mua tàu bay nào?

10:00 | 12/09/2023
Chia sẻ
Ngoài thoả thuận mua 50 máy bay Boeing 737 MAX của Vietnam Airlines, Vietjet cũng đang có các thoả thuận mua tổng cộng 300 máy bay từ cả Boeing và Airbus còn Bamboo Airways ký kết mua 30 máy bay từ Boeing,...

Ngày 11/9, Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines và tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX với giá trị 10 tỷ USD nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam và việc hai quốc gia nâng mối quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Hàng không Việt Nam đang có hợp đồng thuê/mua tàu bay nào?

Ngoài Vietnam Airlines, trong ngày hôm qua Vietjet cũng ký kết Thoả thuận tài trợ tàu bay trị giá 550 triệu USD nhằm tài trợ cho đơn đặt hàng 200 tàu bay từ Boeing, trong đó có dòng 737 Max. Đơn đặt hàng này gồm 100 tàu bay 737 MAX mới trị giá 12,7 tỷ USD ký kết năm 2018 nhân cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều và 100 tàu bay B737 MAX vào năm 2016. 

Không chỉ sắp đón 200 tàu bay từ Boeing, Vietjet cũng có hợp đồng 119 tàu bay đã đặt hàng với Airbus và đã bắt đầu thực hiện từ năm 2021. Theo chia sẻ của chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, hãng còn khoảng 300 máy bay sẽ nhận hàng trong các năm tới.

Với hãng hàng không Bamboo Airways, năm 2018 đã ký kết thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner trị giá 5,6 tỷ USD và sau đó ký kết tiếp thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD vào năm 2019.

Còn đối với tân binh Vietravel Airlines, hãng mới chỉ có ký kết hợp đồng thuê tàu bay với đối tác Cambodia Airways để nhận thêm 3 chiếc máy bay trong năm nay, nâng đội bay lên 6 chiếc.

Tuy nhiên, với việc đặt mua số lượng lớn tàu bay, không phải hãng hàng không nào cũng đưa toàn bộ vào khai thác mà một phần trong đó để bán cho thuê lại tàu bay.

Chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cũng từng chia sẻ tại ĐHCĐ Vietjet diễn ra hồi tháng 4/2023 rằng, hãng có 300 tàu bay sẽ nhận trong các năm tới và sẽ cho thuê hoặc bán lại.

"Vietjet đặt lượng lớn và nhận trong thời gian dài. Khi nhận được giá mua tốt hơn thị trường và chuyển nhượng để hưởng chênh lệch. Nếu có điều kiện thuận lợi, Vietjet giữ lại tàu bay và thu xếp các nguồn tài chính dài hạn để sở hữu", bà Thảo nói.

Vietjet cũng có các phương thức khác như: Thuê tài chính - một dạng thuê mua, công ty sẽ thanh toán dần tiền thuê cho tới một kỳ nhất định thì sở hữu tàu bay hay hình thức thuê vận hành, đó là bán tàu bay cho đối tác, nhưng thuê lại để vận hành.

Bà Thảo cũng chia sẻ, đôi khi hay nhận được câu hỏi 'Vietjet theo kế hoạch khai thác dự án có 100 tàu bay, vậy tại sao lại đặt tới 300 - 400 chiếc?'.

Trả lời cho câu hỏi này, bà nói: "Thật ra tàu bay cũng có tuổi đời của nó, nếu muốn duy trì đội tàu bay mới thì có thể đặt tàu bay mới về và đưa những tàu bay cũ ra khỏi đội tàu. Nhờ đó, đội tàu của chúng ta luôn trong trạng thái mới và hiện đại".

Mua 50 tàu bay, Vietnam Airlines cần chuẩn bị gì?

Họp báo sau buổi Lễ ký kết chiều 11/9. (Ảnh: Vietnam Airlines).

Việc mua 50 chiếc máy bay để bổ sung 60 máy bay đến năm 2030 và khoảng 100 máy bay đến năm 2035 được cho là phù hợp với lộ trình mà Vietnam Airlines đặt ra từ trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng không vẫn còn gặp nhiều khó khăn thì việc thu xếp vốn để thực hiện dự án này là điều mà dư luận đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ tại buổi họp báo sau buổi Lễ ký kết ngày 11/9,ông Trần Thanh Hiền, Giám đốc tài chính Vietnam Airlines cũng khẳng định, đây là dự án quy mô rất lớn và việc đảm bảo nguồn vốn luôn được quan tâm đặc biệt.

Ông Hiền cho biết,Vietnam Airlines và Boeing sẽ tiếp tục hợp tác, trao đổi để hoàn thiện dự án đầu tư đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, trong đó có việc thu xếp và bảo đảm nguồn vốn cho dự án bằng nhiều nguồn và giải pháp phù hợp. 

Theo ông, để triển khai dự án, Vietnam Airlines chắc chắn phải đảm bảo và có khả năng tự chủ một phần nguồn vốn sau quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu phục hồi, phát triển sau đại dịch."Tuy nhiên, bên cạnh nguồn vốn chủ động của Vietnam Airlines, chúng tôi cũng kỳ vọng và tin tưởng vào sự hỗ trợ thu xếp tài chính của Boeing, cũng như Chính phủ Mỹ", ông nói.

Vietnam Airlines đã và đang tiếp tục làm việc với các định chế tài chính để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất bao gồm cả các giải pháp ngắn, trung hạn cho khoản tiền trả trước (PDP Financing) và giải pháp bán và cho thuê lại tàu bay (SLB), Giám đốc tài chính Vietnam Airlines cho hay.

Ký kết một hợp đồng giá trị lớn, song hiện kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines lại không mấy tích cực. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt gần 2.900 tỷ.

Tuy nhiên, sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 1.331 tỷ đồng. Thua lỗ 14 quý liên tiếp khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vietnam Airlines âm 35.667 tỷ đồng cuối quý II, kéo vốn chủ sở hữu hiện đang âm 11.598 tỷ đồng. 

Hạ An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).