|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nghịch lý nhập khẩu rau quả

14:21 | 23/03/2017
Chia sẻ
Một khoản ngoại tệ bỏ ra không nhỏ để chi cho việc NK rau quả có tính chất tương đồng với rau quả của Việt Nam là dấu hiệu không bình thường. Điều này nếu không được ngăn chặn sẽ làm cho nhập siêu càng gia tăng.
nghich ly nhap khau rau qua
Rau quả nhập khẩu tăng trên 50% trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Phan Thu.

Gần 2 triệu USD nhập rau quả từ Thái Lan, Trung Quốc

Mấy năm trở lại đây, XK rau quả của Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ đạt kim ngạch 2 tỷ USD trong năm 2016. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang tập trung vào thế mạnh và tận dụng lợi thế so sánh của mình- là nước nông nghiệp nhiệt đới. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam vẫn đang NK một lượng rau quả khá lớn từ các nước, trong đó nhiều nhất là từ Thái Lan, Trung Quốc. Con số này cũng là điều đáng suy ngẫm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2017, NK rau quả vào Việt Nam đạt trên 164 triệu USD, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tháng 2, Việt Nam đã chi gần 67,1 triệu USD để NK rau quả, giảm 31% so với tháng đầu năm.

Xét theo yếu tố thị trường, NK rau quả từ Thái Lan trong 2 tháng đầu năm nay tăng mạnh 101,6% so với cùng kỳ, lên đến 82,6 triệu USD, chiếm hơn 50% giá trị NK rau quả cả nước; nhập từ Trung Quốc tăng 20% đạt 31,6 triệu USD, chiếm hơn 19%. Tiếp theo là Mỹ 13,2 triệu USD (tăng 9%); Myanmar gần 7,8 triệu USD (tăng 134%); Chi Lê, Nam Phi 5,3 triệu USD (tăng 72,6%); New Zealand 3,8 triệu USD (tăng 46%).

Chỉ tính riêng 2 thị trường Trung Quốc và Thái Lan đã chiếm 70% kim ngạch NK rau quả của Việt Nam. Như vậy, mỗi ngày Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD (tương đương 44,5 tỷ đồng) nhập rau củ quả từ 2 thị trường trên.

Theo lí giải của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), kim ngạch NK rau quả 2 tháng đầu năm nay tăng cao là do NK từ phần lớn các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nhập từ Brazil tăng mạnh nhất 188% so với cùng kỳ; bên cạnh đó nhập từ Ấn Độ cũng tăng 149%, từ Myanmar tăng 134%, từ Thái Lan tăng 102% so cùng kỳ.

Các mặt hàng rau củ quả được nhập về trong 2 tháng đầu năm chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Australia), xoài, mãng cầu, me (Thái Lan). Rau củ quả xuất xứ từ Trung Quốc chủ yếu là bắp cải, xà lách, khoai tây, cam, táo...

Bổ sung thêm thông tin và để trả lời cho câu hỏi “Vì sao Việt Nam có lợi thế về rau quả nhưng vẫn đi NK?”, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại cho hay, trong thương mại, vấn đề XK, NK cùng một mặt hàng tương tự của một quốc gia là chuyện hết sức bình thường. Rau quả cũng vậy, có xuất thì có nhập!

Mặt khác, Việt Nam vẫn phải NK những mặt hàng trong nước không sản xuất được hoặc NK theo thời điểm những sản phẩm dù sản xuất trong nước có sản xuất được nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, ví dụ như dịp lễ, tết. Thêm vào đó, rau quả NK có giá rẻ hơn trong nước, ví dụ như của Trung Quốc, nên Việt Nam vẫn NK. Tâm lí sính ngoại của một bộ phận không ít người tiêu dùng cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam vẫn có xu hướng NK rau quả.

Không bình thường

Với những lập luận trên, theo ông Phương, nên coi việc nhập rau quả là chuyện bình thường. Nhưng câu chuyện sẽ là không bình thường nếu NK nhiều mặt hàng mình hoàn toàn sản xuất được và cơ quan quản lí phải quan tâm. Một trong những mặt hàng đó là rau củ quả từ Trung Quốc, Thái Lan và một số nước châu Đại Dương.

Bình luận về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội nêu ý kiến, đối với các mặt hàng Việt Nam không có như cherry thì phải chấp nhận NK. Tuy nhiên, nếu mặt hàng NK trùng lặp với Việt Nam như nhãn, xoài, sầu riêng, thanh long thì cho thấy năng lực cạnh tranh sản phẩm Việt Nam còn yếu ngay ở thị trường nội địa do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ,…

Trên thực tế, 70% rau quả của Việt Nam là XK sang Trung Quốc, chỉ có một số rất ít (vải, thanh long, nhãn, xoài...) đáp ứng được yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước NK như Australia, Mỹ... Song rau quả XK sang Trung Quốc phần lớn là không có kiểm dịch nên có thể hàng XK được nhưng lại chưa chắc bán được ở trong nước, hoặc bán với giá rẻ.

Trong khi đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với rau quả hiện đang là mối quan tâm lớn của rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Ông Phương cho rằng, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam dùng đến 90% là phân vô cơ, chỉ 10% sử dụng phân hữu cơ, trong khi ở các nước thì ngược lại nên nền nông nghiệp của chúng ta là “bẩn”, người tiêu dùng không yên tâm sử dụng.

Do vậy, việc quản lí NK rau quả, nhất là từ Thái Lan, Trung Quốc không thể dùng biện pháp hạn chế NK bằng cách cấm mà phải quản lí chặt chẽ chất lượng rau quả NK. Điều quan trọng hơn thế, cần phải nâng cao chất lượng sản xuất trong nước, DN sản xuất phải cải thiện mẫu mã, đầu tư, nâng cao năng suất để “kéo” người tiêu dùng trở về với hàng Việt. Bởi lẽ, bài toán cạnh tranh với hàng ngoại không chỉ còn nằm ở vấn đề giá cả mà còn phụ thuộc vào chất lượng, phục vụ, hậu mãi.

Phan Thu

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.