|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nghị quyết phát triển bền vững kinh tế biển: Khuyến khích các thành phần kinh tế xây khu du lịch, dịch vụ, giải trí qui mô lớn

12:01 | 06/03/2020
Chia sẻ
Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về phát triển bền vững kinh tế biển nêu rõ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp qui mô lớn, trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học...

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 26 về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra các nội dung, giải pháp về 6 vấn đề, bao gồm:

Quản trị biển và đại dương, quản lí vùng bờ; phát triển kinh tế biển, ven biển; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Nghị quyết phát triển bền vững kinh tế biển: Khuyến khích các thành phần kinh tế xây khu du lịch, dịch vụ, giải trí qui mô lớn - Ảnh 1.

Nghị quyết phát triển bền vững kinh tế biển: Khuyến khích các thành phần kinh tế xây khu du lịch, dịch vụ, giải trí qui mô lớn. Ảnh minh họa.

Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý về phát triển kinh tế biển, ven biển, giải pháp Nghị quyết đưa ra là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo.

Nghị quyết khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ qui mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, thí điểm phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác. Xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế.

Ngoài ra, phát triển hệ thống cảng biển theo qui hoạch tổng thể và thống nhất trên qui mô cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở vật chất kĩ thuật để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tiếp tục tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, dầu khí, các dạng hydrocarbon phi truyền thống tại các bể trầm tích vùng nước sâu xa bờ nhằm gia tăng trữ lượng khoáng sản, dầu khí. Nâng cao hiệu quả khai thác, tăng hệ số thu hồi các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Nghị quyết yêu cầu triển khai thực hiện qui hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị ven biển đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo theo hướng bền vững, dựa vào hệ sinh thái, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Xây dựng và vận hành các mô hình tổ chức sản xuất trong nuôi trồng và khai thác hải sản hợp lý; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của môi trường và nguồn lợi thủy sản; nâng cao mức sống cho cộng đồng ngư dân, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.

Về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển, Nghị quyết nêu rõ, bổ sung và xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục tại các hải đảo.

Đảm bảo cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, hải đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng, nhằm nâng cao sức khỏe của người dân.

Xây dựng, hoàn thiện và phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển, bao gồm cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế và nguồn kinh phí hoạt động.

Duy trì, phục hồi và phát triển các lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa; bảo tồn không gian văn hóa, kiến trúc và di sản thiên nhiên, duy trì, phát triển các trung tâm văn hóa đặc trưng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

Triển khai thực hiện việc giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, khả năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học.

Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển, Chính phủ yêu cầu đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ biển gắn với điều tra cơ bản biển.

Hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc: công nghệ sinh học biển, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển, khai thác đáy biển sâu trên cơ sở kế thừa và phát triển nguồn lực sẵn có.

Đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; có cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế làm việc và cống hiến cho sự nghiệp biển đảo của nước nhà.

Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Hoàn thiện việc tích hợp, số hóa cơ sở dữ liệu về biển và hải đảo của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu biển quốc gia; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ bảo đảm việc nhập, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu biển, hải đảo của các bộ, ngành, địa phương.

Đầu tư, củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường và thực hiện việc thu gom, xử lý.

Triển khai thực hiện quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị ven biển đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo theo hướng bền vững, dựa vào hệ sinh thái, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đầu tư xây dựng trung tâm cứu hộ động vật biển tại một số khu bảo tồn biển. Đầu tư xây dựng hệ thống đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

Chính phủ yêu cầu Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết này; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW để báo cáo Chính phủ.

K.Hà