|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nghề điêu khắc da và những bản độ xe

14:10 | 07/02/2018
Chia sẻ
Một shop điêu khắc da ở Sài Gòn là điểm đến cho nhiều tay chơi xe trong và ngoài nước muốn làm đẹp cho “xế yêu”, và là nơi thực tập của nhiều sinh viên ngành thiết kế, hay những người trẻ muốn tìm đến với nghề điêu khắc da.

Năm 2014, HTV4 quay chương trình “Hoa tay” về nghệ thuật điêu khắc da của Trần Thị Thanh Thùy. Chương trình về nghề thủ công độc đáo và mới lạ này có số lượt “view” khá cao và tạo nên sự thích thú cho những tín đồ hàng handmade ở thời điểm đó. Lúc ấy, chị Thanh Thùy còn khó khăn và chưa có thương hiệu. Còn hiện tại, chị đã là chủ thương hiệu Trần Workshop Handmade. Shop điêu khắc da trên đường Trần Văn Đang (quận 3, TP Hồ Chí Minh) của nữ chủ nhân sinh năm 1992 là điểm đến cho nhiều tay chơi xe trong và ngoài nước muốn làm đẹp cho “xế yêu”, và là nơi thực tập của nhiều sinh viên ngành thiết kế, hay những người trẻ muốn tìm đến với nghề điêu khắc da.

Tìm con đường riêng

Trần Thị Thanh Thùy (còn gọi là Trần Thùy) tốt nghiệp ngành thiết kế công nghiệp, là người đam mê nghệ thuật từ nhỏ. Chị từng thực tập ở thương hiệu “Áo vẽ ta” rồi chuyển sang làm tại thương hiệu da Dungart. Nhận thấy bản thân mê nghề điêu khắc da, chị ra quyết định táo bạo: Khởi nghiệp sau khi làm xong đồ án tốt nghiệp, mặc dù lúc đó có vài công ty nước ngoài mời chị về làm cho họ. Chị bộc bạch: “Tôi đã làm việc ở nhiều nơi trong suốt bốn năm đại học, học hỏi nhiều ưu điểm và khuyết điểm trong mô hình kinh doanh của những nơi ấy. Bài học lớn nhất, theo tôi, có lẽ là kinh nghiệm quản lý nhân sự. Nó giúp tôi quản lý công việc tốt ở thời điểm hiện tại”.

nghe dieu khac da va nhung ban do xe
Chị Trần Thị Thanh Thùy (bên phải) hướng dẫn một học viên trong cửa hàng điêu khắc da.

Chị chia sẻ thêm: “Thời điểm đó không nhiều người làm các sản phẩm điêu khắc da để làm đẹp cho xe. Thị trường vẫn còn đắm chìm trong hàng simili giá rẻ từ Trung Quốc. Khách hàng còn e ngại về giá và chất lượng của da thật và họ cũng chưa coi đó là một môn nghệ thuật cần trân trọng. Bản thân tôi vừa tốt nghiệp ra trường, rất băn khoăn về cơ hội thị trường của ngành này. Bên cạnh đó, khó khăn nhất đối với một người theo nghệ thuật như tôi không phải ý tưởng sáng tạo hay niềm đam mê mà là sự chi phối về cơ hội thị trường, về kinh tế, về cơ sở vật chất, máy móc, nguyên liệu da mà một người trẻ khởi nghiệp cần vượt qua”.

Ưu thế cạnh tranh của chị Thùy là kiến thức bổ ích từ ngành thiết kế công nghiệp trên giảng đường đại học và không ngại sáng tạo cái mới cho từng khách hàng. Do đó, chị được khách hàng tin tưởng giao làm những thiết kế khó.

“Cũng như nhiều dự án khởi nghiệp khác, trong vài năm đầu, tôi khó tìm được khách hàng nên chủ yếu là bán hàng cho người thân quen qua mạng xã hội. Nhưng từ những khách hàng đầu tiên truyền miệng, một thời gian sau, lượng khách hàng của tôi mở rộng và có phân khúc riêng. Đến nay, không chỉ giới biker trong nước, nhiều khách nước ngoài cũng tìm đến đặt hàng. Nguyên liệu đầu vào cũng ổn định dần về giá cả và chất lượng. Da bò của chúng tôi được nhập trực tiếp từ các nhà máy da tốt nhất ở trong và ngoài nước. Những sản phẩm của chúng tôi đến tay khách sử dụng thường có chế độ bảo hành trọn đời. Các dụng cụ đục đẽo cũng được tôi nghiên cứu để có thể tiết kiệm thời gian và giảm tiếng ồn...”.

Làm sao định giá nghệ thuật?

Làm một sản phẩm nghệ thuật handmade, cách chị Thùy định giá sản phẩm thường là dựa vào giá của loại da nguyên liệu cộng với giá trị sức lao động của người thợ tạo nên sản phẩm. Bên cạnh đó, những yếu tố như độc bản; bản quyền các chi tiết như về màu sắc, kiểu dáng, hoa văn; bản quyền hình ảnh (trên Internet, mạng xã hội, báo chí và các phương tiện truyền thông)... cũng ảnh hưởng đến giá sản phẩm. Khách chọn nhiều “gói bản quyền”, giá sẽ tăng từ 100-200% so với những bản có số lượng nhiều hơn.

Thùy cho biết quy trình sáng tạo một sản phẩm da của chị (như một chiếc túi) thường là mất khoảng một tháng với những công đoạn như vẽ phác thảo trên giấy, sau đó vẽ rập, lên mẫu thử (shop thường làm từ 3-5 mẫu thử), bỏ chi tiết thừa và thay đổi cho đến khi vừa ý. Cuối cùng là sản xuất mẫu thật hoàn toàn thủ công và kiểm tra thành phẩm, dùng thử. Tuy nhiên, cũng có những bộ sản phẩm mất thời gian thực hiện hơn, từ một tháng rưỡi tới hai tháng (như bộ sưu tập túi cho mùa xuân)...

Hồi mới khởi nghiệp, mỗi tháng, chị Thùy chỉ bán 1-2 sản phẩm, nhưng hiện nay, hàng tháng chị có khoảng 40 đơn hàng. Chị chia sẻ: “Tính đến nay tôi đã đào tạo được hơn 200 học viên. Hiện nguồn nhân lực tại chỗ của tôi cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Học viên được đào tạo để có thể sáng tạo trên từng sản phẩm nhất định nên tôi không còn phải cặm cụi làm một mình. Tôi đề ra ý tưởng, nêu yêu cầu của khách hàng và kiểm soát”.

Điêu khắc da sẽ thay nail?

Hiện chị Thùy đã phần nào tạo nên trào lưu mới cho một bộ phận biker muốn giữ nguyên bản của xe nhưng có những sáng tạo thẩm mỹ theo cách riêng cho những bản độ về yên, túi, phụ kiện da... Chị Thùy mới phát triển những sản phẩm phục vụ nhu cầu của giới biker trong hai năm gần đây nhưng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng. “Sắp tới, tôi sẽ nghiên cứu cho ra thêm nhiều sản phẩm để anh em đam mê xe hạn chế nhập về những sản phẩm giá cao mà kém chất lượng. Tôi có mong mỏi khách hàng sử dụng những sản phẩm có chất lượng được làm nên từ bàn tay những người thợ Việt”, chị nói.

Hiện tại, các sinh viên chọn làm đồ án tốt nghiệp có liên quan đến điêu khắc da cũng thường tìm đến quây quần trong shop nhỏ của chị Thùy. Mỗi năm, chị Thùy tư vấn, hướng dẫn cho khoảng chục sinh viên hoàn thành đồ án tốt nghiệp. Qua đó, chị tạo cơ hội học hỏi, làm nghề cho hàng trăm học viên. Theo chị Thùy, điêu khắc da hoàn toàn có khả năng trở thành việc làm mới thay thế cho nghề làm móng (nail) đối với người Việt có ý định nhập cư nước ngoài...

“Nghề này chỉ cần đam mê và chịu khó là có thể học được. Tùy vào phân khúc khách hàng và dòng sản phẩm muốn theo đuổi, trong vòng ba tháng, học viên có thể biết căn bản để làm được sản phẩm. Khi đã có căn bản, người học sẽ muốn tự sáng tạo”, Thùy kể.

Nữ doanh nhân nói thị trường của những dòng sản phẩm này không nhỏ, nhưng điều quan trọng là người tạo ra sản phẩm có đủ can đảm và đam mê để xem đây là nghề tay phải.

“Là một người bắt đầu từ hai bàn tay trắng, tôi thường khuyên học viên của mình hãy bắt đầu từ nơi bạn đang đứng, sử dụng những gì bạn có và làm những gì có thể. Ví dụ bạn có thể tiếp cận những khách hàng gần gũi với mình như bạn bè, người thân..., từ những sản phẩm đơn giản nhất”, chị nói.

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.