|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngành vận tải biển quan ngại về hiệu quả từ sáng kiến an ninh ở Biển Đỏ

15:33 | 21/12/2023
Chia sẻ
Các nguồn thạo tin cho hay các công ty vận tại biển vẫn đang mù mờ về chiến dịch an ninh đa quốc gia ở Biển Đỏ do Mỹ khởi xướng. Trong khi đó, nhiều tàu vẫn tiếp tục tránh né khu vực này hoặc hủy bỏ các hợp đồng vận chuyển qua đây.

Một tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ. (Ảnh: Reuters).

Các nguồn thạo tin cho hay các công ty vận tại biển vẫn đang mù mờ về chiến dịch an ninh đa quốc gia ở Biển Đỏ do Mỹ khởi xướng. Trong khi đó, nhiều tàu vẫn tiếp tục tránh né khu vực này hoặc hủy bỏ các hợp đồng vận chuyển qua đây.

Trong chuyến thăm Bahrain tuần này, nơi đặt trụ sở lực lượng hải quân Mỹ ở Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nga là các quốc gia tham gia hoạt động bảo đảm an ninh đối với hoạt động vận tải đường biển ở khu vực Biển Đỏ. Nhóm này sẽ thực hiện các cuộc tuần tra chung ở phía Nam Biển Đỏ và gần Vịnh Aden.

Ông Corey Ranslem, Giám đốc điều hành công ty bảo an và tư vấn rủi ro hàng hải của Anh Dryad Global, cho biết hiện tại hầu như không có thông tin thiết thực nào về sáng kiến nói trên, như có bao nhiêu tàu biển tham gia vào chiến dịch này, các tàu này mất bao lâu để đến được khu vực Biển Đỏ, hay điều luật tham gia và kế hoạch bảo vệ thực tế nào sẽ được thực hiện.

Một nguồn tin đặt câu hỏi liệu liên minh hàng hải này có biện pháp gì khác ngoài việc bắn hạ các tên lửa đạn đạo trên bầu trời, và nếu chỉ với biện pháp này thì liệu có đủ để đem lại sự đảm bảo mà các công ty vận tải biển đang cần hay không. Một nguồn tin khác cho hay thị trường đang cần liên minh này có những hành động cụ thể.

Tổ chức Vận tải biển Quốc tế dự đoán đội đặc nhiệm mới này sẽ có nỗ lực phối hợp với một số lượng lớn tàu biển để ngăn chặn các cuộc tấn công với các tàu thương mại ở Biển Đỏ.

Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại gia tăng trong thời gian gần đây đã làm gián đoạn một tuyến đường thương mại quan trọng nối châu Âu và Bắc Mỹ với châu Á thông qua kênh đào Suez. Tình hình hiện này đã khiến chi phí vận chuyển hàng hóa bằng tàu container tăng vọt, khi nhiều công ty tìm cách vận chuyển bằng các tuyến đường thay thế khác thường là dài hơn.

Ông Corey Ranslem cho biết nhiều công ty vận tải biển đang chuyển hướng sang cung đường vòng qua châu Phi hoặc dừng hoàn toàn hoạt động ở khu vực này. Theo ông, nếu nỗ lực của liên minh hàng hải do Mỹ đứng đầu nói trên không có hiệu quả, nhiều công ty vận tải nữa sẽ chuyển sang cung đường chạy qua Mũi Hảo Vọng ở nam châu Phi.

Theo dữ liệu từ công ty cung cấp phân tích về hàng hải và theo dõi tàu biển MarineTraffic, lưu lượng giao thông qua eo biển Bab al-Mandab nổi Biển Đỏ với Vịnh Aden đã giảm 14% trong khoảng thời gian từ ngày 15-19/12, so với các ngày từ 8-12/12.

Các công ty vận tải biển bằng container đang tiếp tục dừng di chuyển qua Biển Đỏ, mà thay vào đó là chọn tuyến đường vòng qua châu Phi. Tuyến đường thay thế này sẽ kéo dài thời gian vận chuyển và gia tăng chi phí. Điều này làm dấy lên những lo ngại về sự chậm trễ của các chuyến hàng và khả năng giá cả gia tăng làm thổi bùng một đợt lạm phát mới trên toàn cầu.

Một người phát ngôn của công ty vận tải container quốc tế Hapag Lloyd cho biết công ty này sẽ tiếp tục chuyển hướng toàn bộ tàu của mình cho đến ngày 31/12, sau đó sẽ đánh giá lại tình hình và đưa ra quyết định tiếp theo.

Một nguồn tin khác cho hay một số chủ tàu đã hủy các hợp đồng thuê tàu đi qua Biển Đỏ vì lo ngại về vấn đề an toàn, hoặc yêu cầu một mức phí bảo hiểm rủi ro, bên cạnh khoản bồi thường cho chi phí bảo hiểm rủi ro xung đột gia tăng.

 

Khánh Ly

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.