|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành truyền hình mới hay cuộc chiến của những 'ông lớn' streaming trực tuyến (Kì 1)

16:42 | 07/12/2019
Chia sẻ
Trong một kỉ nguyên Internet và thiết bị không dây, streaming (truyền hình trực tuyến) đang trở thành thị trường mới đầy tiềm năng nhưng không kém phần khốc liệt.

Những cuộn băng video truyền thống giờ đây đã tuyệt chủng như loài khủng long. Hàng loạt công nghệ mới như internet tốc độ cao, thiết bị di động giá rẻ và sự phát triển ồ ạt của nhiều loại màn hình HD đã đưa ngành truyền hình già cỗi hàng thập kỉ trải qua cuộc cách mạng chưa từng có, định hình lại toàn bộ hệ sinh thái truyền thông.

Chỉ trong vài tháng qua, những "ông lớn" trong ngành sản xuất nội dung truyền hình như Disney và NBCUniversal đã ra mắt dịch vụ truyền hình trực tuyến của mình với khoản đầu tư hàng tỷ USD từ những người mới tham gia như Netflix, Google và Apple.

Khi những ông lớn đang phải vật lộn để đối phó với các thách thức về công nghệ, kinh doanh và thể chế mới nảy sinh từ mặt trái của cải cách, giới đầu tư và người tiêu dùng cũng tự hỏi ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến giành quyền thống trị nền truyền thông mới. Câu trả lời nằm ở uy tín thương hiệu, độ tuổi khách hàng và nội dung video.

Trong "vụ nổ Big Bang" của ngành công nghệ, những dịch vụ hay sản phẩm tốt và rẻ hơn đều trải qua giai đoạn thử nghiệm tự nhiên. Các hãng tung ra gói dịch vụ kèm mô hình kinh doanh mới để tìm kiếm phản hồi của người tiêu dùng  và nếu thành công, các sản phẩm từng phổ biến trước đó sẽ trở nên lỗi thời.

Trong ngành truyền thông trực tuyến, thử nghiệm đó đã diễn ra suốt hơn một thập kỉ. Netflix chuyển sang phát video trực tuyến từ năm 2007 và vào năm 2013, chuyển sang sản xuất các chương trình độc lập. Sự thành công của Netflix đã tạo ra hàng chục dịch vụ cạnh tranh từ những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Amazon, YouTube và Sony.

Để đáp lại, các nhà sản xuất và phân phối truyền hình truyền thống tại Mỹ đã đưa ra một số giải pháp thay thế như Sling TV của Dish và DirecTV Now của  AT&T để cạnh tranh. 

Tuy nhiên, một thống kê gần đây cho thấy lượng người xem YouTube hiện là 1 tỉ giờ/ ngày, nhiều gấp hàng chục lần so với TV truyền thống.

images (12)

Ngành truyền hình trực tuyến đã thử nghiệm sản phẩm suốt hơn một thập kỉ. Ảnh: Getty

Tại Việt Nam, đài truyền hình Việt Nam đã ra mắt ứng dụng riêng phát trên di động, kênh Youtube riêng trong khi FPT đang có tham vọng xây dựng kho phim trực tuyến riêng. 

Những nỗ lực này đến nay chưa thể giúp các "ông lớn" định hình thương hiệu. Với đài VTV, thành công của một vài phim truyền hình gần đây là chưa đủ để kéo người dùng về trang web hay tải ứng dụng riêng.

Gần đây, Thung lũng Silicon, nơi từng định hình lại Hollywood, đột nhiên vào cuộc. Đầu tháng này, Apple ra mắt Apple TV + với nội dung độc quyền từ các đạo diễn, diễn viên và nhà sản xuất danh tiếng, bao gồm cả Steven Spielberg, J. J. Abrams, Oprah Winfrey và ekip seri đình đám Sesame Street với giá đăng kí vỏn vẹn 4,99 USD/tháng.

Không chịu thua, Disney, ngay sau thương vụ mua lại phần lớn tài sản nội dung của Fox, cũng ra mắt Disney +, dịch vụ trực tuyến cho phép người xem truy cập nhiều kho phim của Disney, toàn bộ seri Star Wars và rất nhiều phim ăn khách của Marvel và Pixar.

Với mức giá khởi điểm 6,99 USD/ tháng, Disney + trở thành đối thủ đáng gờm với các kênh truyền hình trực tuyến trước đó như Netflix, Amazon Video, YouTube và Hulu - công ty Disney hiện hoàn toàn sở hữu.

Trước những thay đổi chóng mặt này, không ngạc nhiên khi các nhà đài truyền thống mất thuê bao với tốc độ chóng mặt. 

Chỉ riêng năm 2018, theo báo cáo của công ty, các đài truyền hình mạng dây đã mất hơn 3 triệu thuê bao, tương đương 4,2% tổng lượng khách hàng của họ, tăng từ 2% trong năm 2016. 

Một triệu người dùng khác đã cắt dây trong quý đầu tiên của năm 2019, 1,5 triệu trong quý II và gần 1,7 trong quý III - tương đương gần 4% tổng số khách hàng còn lại mỗi quý.

Ngược lại, doanh thu truyền hình trực tuyến tăng hơn 2 lần trong khoảng 2016 - 2018, từ 30 tỉ USD lên đến 68 tỉ USD. Hơn 1/4 người tiêu dùng Mỹ hiện đang chi hơn 100 USD/ tháng cho dịch vụ truyền hình trực tuyến, theo HBR.

Và trong khi những tập đoàn công nghệ đang gấp rút đưa kho dữ liệu video của họ lên các thiết bị không dây (điển hình như HBO GO và CBS All Access), các nhà đài truyền thống lại bị kiểm soát bởi một mớ điều luật, quy định về nội dung họ được phép cung cấp cũng như phụ thuộc vào hệ thống trạm phát sóng cũ kĩ.

Để đối mặt với những hạn chế lỗi thời nguy hiểm này, các nhà đài tại Mỹ bắt đầu hướng tới những doanh nghiệp công nghệ sản xuất nội dung, tiến hành hàng loạt các vụ sáp nhập, mua lại và đầu tư khởi nghiệp đầy rủi ro.

Trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến truyền hình trực tuyến, những người tiêu dùng đang hi vọng được hưởng lợi từ chi phí thấp hay lựa chọn nội dung ngày càng phong phú và đó cũng là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp.

Thu Phương

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.