|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngành nông nghiệp còn gần 18.000 tỉ đồng vốn trung hạn chưa giải ngân

23:00 | 19/08/2020
Chia sẻ
Đối với gần 18.000 tỉ đồng chưa giải ngân, từ nay đến cuối năm 2020, Bộ sẽ tập trung giải ngân 10.047,4 tỉ đồng; còn lại 7.908,6 tỉ đồng, Bộ sẽ giao vốn và giải ngân trong năm 2021.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết ngày 19/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn trung hạn Bộ được phân bổ là 70.014,8 tỉ đồng; đã được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho các dự án là 69.921,4 tỉ đồng. 

Vốn đã được giao hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện 288 dự án là 62.012,8 tỉ đồng (bao gồm cả 10% dự phòng).

Đối với vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết, lũy kế đến ngày 31/7, Bộ NN&PTNT đã thực hiện giải ngân được 51.965 tỉ đồng, bằng 74,3% tổng nguồn vốn được giao. Theo đó, còn 17.956 tỉ đồng, tương ứng 25,7% tổng nguồn vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 chưa giải ngân.

Theo Bộ NN&PTNT, đối với gần 18.000 tỉ đồng chưa giải ngân, từ nay đến cuối năm 2020, Bộ sẽ tập trung giải ngân 10.047,4 tỉ đồng; còn lại 7.908,6 tỉ đồng, Bộ sẽ giao vốn và giải ngân trong năm 2021. Tính riêng trong năm 2020, Bộ NN&PTNT sẽ cần giải ngân 13.979 tỉ đồng.

Bên cạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, Bộ NN&PTNT cũng thông tin về tình hình thực hiện 288 dự án. Theo đó, đến hết trung hạn 2016 - 2020, Bộ sẽ hoàn thành 231/288 dự án; các dự án còn lại sẽ được chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, đối với các Dự án trái phiếu Chính phủ, các hợp phần xây dựng đến nay không vướng mắc về thủ tục, không tăng tổng mức đầu tư, tỉ lệ giải ngân cả năm 2020 sẽ đạt 100%. 

Đối với các dự án ODA, tỉ lệ giải ngân sẽ đạt 92,1% nếu điều chuyển 1.808 tỉ không có nhu cầu. Tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách sẽ đạt 97% kế hoạch năm 2020.

Ngành nông nghiệp còn gần 18.000 tỉ đồng vốn trung hạn chưa giải ngân - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ NN&PTNT về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Ảnh: Bộ NN&PTNT.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành nông nghiệp có nhiều dự án quan trọng liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, các công trình thủy lợi bảo vệ nguồn nước ngọt, gia cố bảo vệ đê điều, hạ tầng thủy sản… 

Việc giải ngân vốn đầu tư công rất quan trọng, bởi đây là nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng sản xuất nông nghiệp, tạo ra cơ sở hạ tầng, tạo môi trường để huy động nguồn đầu tư cho phát triển nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm ngành, hiệu quả trong sản xuất.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT cần tập trung tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đạt được mục tiêu đề ra. 

Cụ thể Bộ cần phối hợp cùng các Bộ, ngành khác để tháo gỡ khó khăn các khâu trong thủ tục đầu tư, thực hiện đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng…; điều chỉnh vốn trong các công trình cho phù hợp.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần kiểm soát chặt quá trình đầu tư xây dựng gắn với phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhằm đảm bảo công trình đúng tiến độ và an toàn xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí. 

Trong giai đoạn tới, Bộ cũng cần rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp thiết như: điều tiết mặn ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long, neo đậu tàu cá, gia cố hồ đập, phòng chống thiên tai.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công của ngành không chỉ là báo cáo tiến độ, quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư của các dự án đó. 

Đặc biệt những công trình kiểm soát mặn ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua đã được đẩy nhanh tiến độ, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát hạn, mặn kỉ lục đầu năm. Điều này cũng góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.

Như Huỳnh