Ngành nhựa Việt Nam đang chịu sức ép thâu tóm từ doanh nghiệp ngoại
Tại hội thảo "Ngành Nhựa xây dựng Việt Nam - Câu chuyện cạnh tranh trên sân nhà", do Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc) tổ chức ngày 2/11, các chuyên gia cho biết, ngành nhựa Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh và nguy cơ bị thâu tóm thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) từ các doanh nghiệp ngoại.
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết, các doanh nghiệp ngoại ồ ạt đầu tư vào ngành nhựa tại Việt Nam, là nhằm tận dụng các ưu đãi đầu tư về đất đai, thuế, giá nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công...
Bên cạnh đó, đánh giá ngành nhựa là một trong những ngành có nhiều tiềm năng phát triển, khi hàng loạt Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư ngoại đã tham gia đầu tư vào Việt Nam để tận dung lợi thế của thương mại tự do.
Thực tế, xu hướng đầu tư chủ yếu được các nhà đầu tư ngoại ưu chuộng là triển khai những thương vụ M&A, mua doanh nghiệp nội địa đã có thị phần và hoạt động tương đối tốt để tiết kiệm chi phí.
Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSc, cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, các thương vụ M&A diễn ra khá sôi động trong ngành nhựa tại Việt Nam.
Điển hình, Tập đoàn SCG (Thái Lan) dự kiến tăng vốn đầu tư lên 6 tỷ USD để gia tăng sức mạnh trong ngành nhựa Việt Nam từ đây cho đến năm 2020. Còn Tập đoàn Dongwon Systems Corporation (Hàn Quốc) cũng đã mua lại Công ty Bao bì Minh Việt từ Masan, đã thực hiện thu gom cổ phiếu Công ty Nhựa Tân Tiến trên thị trường.
Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, với chiến lược thâm nhập thị trường và thâu tóm bài bản, các doanh nghiệp ngoại đang từng bước chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam, dẫn đến sản phẩm nhựa của doanh nghiệp sản xuất trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt.
Đặc biệt, các doanh nghiệp ngoại có kinh nghiệm hoạt động đa quốc gia, tham gia nhiều thị trường quốc tế, nguồn tài chính mạnh mẽ... càng dễ dàng tận dụng các lợi thế của thương mại tự do tại Việt Nam để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Hiện nay, ngành bất động sản, xây dựng đang tiếp tục phục hồi đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nhựa. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng và Phát triển Việt Nam (BSI), nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa trong nước năm 2016 và những năm tới dự báo tiếp tục khả quan.
Trong đó, nhu cầu tiêu thụ bình quân đầu người sẽ tăng và đạt 45kg/người/năm vào năm 2020, tương đương tỷ lệ tăng trưởng là 4%/năm.