Ngành mắc ca hướng tới mục tiêu 1 tỉ USD
Ngành hàng này đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, với kì vọng về một mô hình mẫu để doanh nghiệp lo cho nông dân, không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu, góp phần giữ vững an ninh – quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội và xử lý nhiều vấn đề môi trường.
Hội nghị này dự kiến được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk, cùng ngày với sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân lần thứ 3, một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Người đứng đầu Chính phủ với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cũng như việc ông "chắt chiu" từng cơ hội lo phát triển kinh tế-xã hội.
Tháng 3/2018, giữa lịch trình dày đặc của chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại với 12 tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu của nước này.
Tại đây, một câu hỏi được các tập đoàn này đặt ra: Chính phủ Việt Nam có ủng hộ ngành mắc ca ở Việt Nam không, có xem đây là ngành sản xuất nông nghiệp hay không?
Trước khi chuyển câu hỏi này cho Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Thủ tướng cho biết mắc ca ở Việt Nam tốt hơn ở Australia, sau đó ông cầm một hộp mắc ca "made in Việt Nam" mời các nhà đầu tư của Australia thưởng thức.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trên thị trường thế giới, nguồn cung mắc ca không đáp ứng đủ cầu. Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu trồng cây mắc ca, loại cây xuất xứ từ Australia, hơn 20 năm nay.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quan tâm đến các đối tượng sản xuất có giá trị cao kinh tế cho nông dân và nhà đầu tư. Trong đó, cây mắc ca là một đối tượng Chính phủ cho phép phát triển.
Thực tế, ngay từ đầu nhiệm kì, với tâm thế "tận dụng từng cơ hội phát triển nhỏ nhất", Thủ tướng đã có những lưu ý tới việc phát triển cây mắc ca và ngành hàng này.
Một năm trước chuyến thăm Australia, tháng 3/2017, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4, Thủ tướng đã nhắc tới tiềm năng, thế mạnh phát triển mắc ca ở vùng Tây Nguyên.
Và trước đó, tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia tiếp tục đánh giá hiệu quả sản xuất của cây mắc ca để có các giải pháp phát triển phù hợp, hiệu quả, bền vững.
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.
Tại cuộc làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định rằng, Bộ sẽ sát cánh với Hiệp hội và cùng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả chương trình trồng mắc ca.
Bộ trưởng nhấn mạnh phải vào cuộc một cách quyết liệt và triển khai thực sự bài bản, tính toán dài hơi, phát triển nhanh nhưng phải bền vững.
"Chúng ta phải hoạch định cho một chiến lược dài hơi sau năm 2020 tăng tốc như thế nào cho một ngành hàng nông nghiệp có giá trị lớn. Tôi yêu cầu các đơn vị phải vào cuộc với tinh thần chủ động nhất, tích cực nhất để triển khai có hiệu quả", Bộ trưởng nói.
Một số mục tiêu phát triển cây mắc ca tại Việt Nam:
- Năm 2025 đạt 50.000 ha, 85 ngàn tấn hạt khô/năm; giá trị đạt khoảng 500 triệu USD/năm.
- Năm 2030, đạt khoảng 100.000 ha, 165 ngàn tấn hạt khô/năm và doanh thu ước đạt 1 tỉ USD.
Chính sách bao tiêu sản phẩm để hỗ trợ việc bình ổn giá: Đảm bảo giá mắc ca trong nước đạt ít nhất 85% giá mắc ca tại thị trường Australia trong 10 năm tới.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho vay vốn trong vòng 15 năm và chỉ bắt đầu thu hồi vốn khi cây mắc ca được 5 tuổi, tức là tới khi có thu hoạch.