|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành điều đạt kỷ lục xuất khẩu mới trong năm 2016

15:07 | 28/12/2016
Chia sẻ
Mặc dù cũng phải mất đến khoảng 1,5 tỷ để nhập khẩu điều thô về chế biến nhưng Hiệp hội điều Việt Nam (VinaCas) dự báo xuất khẩu điều năm nay có thể đạt hơn 300 nghìn tấn, đem về doanh thu lên tới 3 tỷ USD. 

Xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng

Theo thống kê Hải Quan, trong 11 tháng đầu năm nay, lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 320 nghìn tấn. Kim ngạch theo đó tăng hơn 18% lên 2,6 tỉ USD.

Hiện nay, đã có đến 80 nước nhập khẩu hạt điều sơ chế của Việt Nam, trong đó, Mỹ chiếm thị phần cao nhất với 30%, một số nước châu Âu chiếm 25% và Trung Quốc chiếm 18%.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu sang một số nước tăng mạnh trong 10 tháng qua là Israel (50%), Đức (48%), Anh (23%) và Italia (19%).

Vinacas dự báo cả năm nay, ngành điều chế biến được khoảng 1,4 tấn hạt điều, xuất khẩu sẽ đạt kỷ lục 300 nghìn tấn với doanh thu có thể lên tới 3 tỷ USD. Trong đó nhân điều sơ chế khoảng 2,8 tỷ USD, điều chế biến sâu và dầu vỏ điều 2 tỷ USD.

Đạt được kết quả này là nhờ giá điều xuất khẩu và giá thu mua tại nội địa tăng cao; đồng thời, các nước chính nhập khẩu hạt điều của Việt Nam không ngừng tăng số lượng và dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng trong những năm tới.

Có thể nói, ngành điều Việt Nam đã bước sang giai đoạn hai, từ xuất khẩu điều thô sang sơ chế điều nhân và bắt đầu chế biến sâu để tăng giá trị hạt điều lên nhiều lần.

Ngoài ra, nhờ công nghệ chế biến hạt điều ngày càng được cải thiện nên hạt điều Việt Nam luôn có chất lượng và mẫu mã đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật...

nganh dieu dat ky luc xuat khau moi trong nam 2016
Sản lượng hạt điều Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường (T1-T7-2016) (Nguồn: Cashewinfo/Vietrade)

Lượng điều xuất khẩu lớn trong bối cảnh nguyên liệu trong nước thiếu khiến Việt Nam chi tới gần 1,5 tỷ USD để nhập khẩu 950 nghìn tấn điều thô. Kết quả là, kim ngạch nhập khẩu điều trong 11 tháng qua tăng tới 40% so với cùng kỳ năm trước. Vinacas ước tính đến hết năm nay, có thể nhập đến gần 1 triệu tấn điều để phục vụ chế biến.

Xét về giá, giá hạt điều xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm nay tăng 10% so với cùng kỳ năm trước lên 8.033 USD/tấn.

Cục Xúc tiến thương mại cũng dự báo trong những năm tới, giá điều nhân trên thế giới khó mà xuống dưới mức giá hiện nay, tức trên dưới 10 USD/kg, là mức giá trước đây chưa bao giờ đạt đến. Vì thế việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng, tăng chất lượng nhân điều và chế biến sâu trở nên cấp bách.

Bên cạnh đó, giá hạt điều khô thu mua có lúc lên tới mức kỷ lục là 60.000 đồng/kg sau nhiều năm và thời gian tới vẫn tiếp tục có xu hướng tăng bởi nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung ngày càng thu hẹp do ảnh hưởng thời tiết.

Vẫn còn rào cản

Theo Vinacas, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam nhập đến gần 70% lượng điều từ Campuchia, một số nước châu Phi để chế biến. Mặc dù thuận lợi là hợp đồng mua bán xuất nhập khẩu điều ngày càng chặt chẽ nhưng có một số lô hàng nhập từ châu Phi về không ổn định, thường bị ẩm, mốc, mọc mầm. Đây có thể là nguyên nhân khiến điều nhân xuất khẩu của Việt Nam sau khi chế biến sẽ mất uy tín về chất lượng.

Đại diện Vinacas cho biết, hiệp hội đã đưa ra giải pháp để doanh nghiệp túc trực ở các cảng xuất khẩu điều ở châu Phi sau đó kiểm tra hàng trước khi bốc xuống tàu. Liên hiệp hội Điều Châu Phi cũng cam kết sẽ chặt chẽ hơn trong khâu kiểm tra điều nhân tại các cảng, nếu không đạt chất lượng thì buộc doanh nghiệp xuất khẩu nhận lại hàng.

Cũng theo trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam, trong tình hình sản lượng điều thô đang giảm tại hầu hết các quốc gia trồng điều, đặc biệt là Ấn Độ, Việt Nam và Tây Phi, nhiều khả năng thế giới sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới việc xuất khẩu hạt điều nhân của Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài ra VASEP cho biết, hiện nay, máy móc thiết bị chế biến điều của Việt Nam không những đủ dùng cho trên 1.000 nhà máy, cơ sở chế biến hạt điều mà còn xuất khẩu sang nhiều nước, nhất là xuất qua châu Phi thị trường nguồn cung điều lớn của thế giới. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong nước lo lắng có thể bị "mất" công nghệ chế biến.

"Trước sau gì, Việt Nam cũng bị châu Phi thay thế ở khâu chế biến điều nhân trong chuỗi sản xuất hạt điều hiện nay, do đó, cần phải nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với xu thế này để châu Phi vẫn là bạn hàng thay vì là đối thủ"

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, phát biểu tại Hội nghị điều quốc tế do Vinacas tổ chức tại Đà Nẵng.

Hồng Vũ