Ngành công nghiệp tiền ảo suy sụp
Bitcoin đang trong đợt giảm giá dài nhất trong lịch sử 10 năm của đồng tiền ảo này. Ảnh: WSJ
Tổng giá trị thị trường của tất cả các đồng tiền ảo nổi bật giảm 85% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 1-2018. Và khối lượng giao dịch tiền ảo ở các sàn giao dịch Mỹ giảm dần đều trong suốt 15 tháng qua, theo công ty nghiên cứu TradeBlock.Các dấu hiệu điêu tàn của tiền ảo hiện diện khắp mọi nơi, đánh dấu một sự đảo chiều 180 độ so với cơn tăng giá bùng nổ của thị trường tiền ảo vào cuối năm 2017. Giá Bitcoin, đồng tiền ảo giá trị nhất hiện nay, chỉ ở mức loanh quanh 4.000 đô la, giảm 80% so với mức đỉnh 19.800 đô la hồi tháng 12-2017.
Bitcoin tăng giá chủ yếu nhờ xung lực đầu cơ nhưng giờ đây xung lực đó đã biến mất. Các đồng tiền ảo đang chật vật thu hút các nhà đầu tư tổ chức. Các quy định quản lý tiền ảo vẫn chưa rõ ràng khiến một số nhà đầu tư và người dùng tiềm năng lánh xa chúng.
Hôm 18-3, trong một nỗ lực cắt giảm chi phí hoạt động khi tình hình kinh doanh sa sút do khối lượng giao dịch giảm mạnh, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Hàn Quốc Bithumb thông báo sẽ cắt giảm hơn 50% nhân sự, từ 310 người xuống còn 150 người.
Trước đó, nhiều sàn giao dịch tiền ảo khác cũng cắt giảm nhân sự bao gồm CoinFloor (Anh), Shapeshift (Thụy Sĩ), Huobi (Singapore).
Tin tức về các vụ sàn giao dịch tiền ảo đóng cửa cũng đang xuất hiện ngày càng dày đặc hơn.
Hôm 14-3, sàn giao dịch tiền ảo Gatecoin (Hồng Kông) thông báo đóng cửa theo lệnh của tòa án do gặp các khó khăn tài chính.
Hồi tháng 2-2019, sàn giao dịch tiền ảo Coinbin (Hàn Quốc) tuyên bố phá sản do bị một lãnh đạo biển thủ 26 triệu đô la.
Cuối tháng 1-2019, sàn giao dịch tiền ảo Liqui (Ukraine) tuyên bố đóng cửa vì thiếu thanh khoản. Giá trị giao dịch tiền ảo hàng ngày trên sàn này giảm xuống chỉ còn 180.000 đô la so với mức trung bình 3,9 triệu đô la vào thời kỳ huy hoàng.
Cũng trong tháng 1, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Canada tuyên bố tạm ngưng hoạt động và nộp đơn bảo hộ phá sản với lý do bị mất cả ví lưu trữ tiền ảo trị giá 190 triệu đô la. Ran Neuner, người sáng lập công ty tư vấn và đầu tư tiền ảo Onchain Capital, dự báo sẽ có thêm nhiều sàn giao dịch tiền ảo đóng cửa trong năm 2019 do thị trường ảm đạm.
Các công ty mở các dịch vụ ăn theo tiền ảo cũng đang chịu áp lực lớn. Eric Larchevêque, Giám đốc điều hành công ty Ledger (Pháp), chuyên cung cấp các sản phẩm ví phần mềm và phần cứng để lưu trữ Bitcoin, cho biết công ty đang cắt giảm chi phí bao gồm đi lại và quảng cáo.
Hồi tháng 1-2018, giữa lúc cơn số tiền ảo dâng cao, Ledger SAS đã huy động được 75 triệu đô la. Số tiền đó cùng doanh thu bán sản phẩm giúp Ledger trụ lại được trong giai đoạn khó khăn này. Song công ty đang thắt lưng buộc bụng gắt hơn.
“Chúng tôi đang ứng phó với vấn đề chi tiêu mỗi ngày. Chúng tôi muốn bảo đảm công ty vẫn còn tồn tại sau 18 tháng tới”, Larchevêque nói.
Máy đào tiền ảo đi về đâu?
Doanh thu máy đào bitcoin cũng giảm trong 15 tháng qua. Thị trường phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng để huy động vốn (ICO) trên toàn cầu từng thu về 12 tỉ đô la trong năm ngoái nhưng kể từ đầu năm 2019 cho đến nay, con số này chỉ đạt vỏn vẹn 100 triệu đô la, theo công ty nghiên cứu Diar.
Dan Held, Giám đốc phát triển kinh doanh của công ty khởi nghiệp quản lý danh mục đầu tư tiền ảo InterChange, cho biết vòng xoáy giảm giá của thị trường tiền ảo chưa đến giai đoạn tồi tệ nhất.
Ông cho biết các công ty trụ lại được cho đến nay là các công ty có thu phí giao dịch chẳng hạn các sàn giao dịch tiền ảo.
Năm 2014, Boaz Bechar thành lập công ty khởi nghiệp Blocktrail chuyên phân tích và thu thập dữ liệu về Bitcoin. Hai năm sau đó, ông bán nó lại cho công ty sản xuất chip đào tiền ảo lớn nhất thế giới Bitmain (Trung Quốc) và vẫn nắm giữ ghế giám đốc điều hành của Blocktrail. Gần đây, Bitmain quyết định sa thải Bechar trong nỗ lực cắt giảm nhân sự để giảm chi phí hoạt động. Trong quí 3 năm ngoái, Bitmain lỗ 500 triệu đô la Mỹ. Bechar tin rằng chỉ những công ty tiền ảo lớn nhất mới có thể vượt qua được những biến động khủng khiếp trên thị trường tiền ảo.