Ngành cá tra Việt Nam gặp khó sau COVID-19
Việt Nam đã không ghi nhận bất kì trường hợp tử vong nào do COVID-19 và cả nước chỉ có khoảng 300 ca nhiễm.
Tuy nhiên trong khi hầu hết các hoạt động kinh tế và xã hội nối lại kể từ cuối tháng 4, sự gián đoạn ở thị trường nước ngoài và chuỗi cung ứng cùng với nhu cầu giảm đã tác động nặng nề đến xuất khẩu thủy sản nước ta.
Ngay cả trước khi dịch bùng phát, ngành cá tra Việt Nam đã phải chật vật với nhu cầu suy yếu và giá bán nguyên liệu thấp tại các thị trường lớn.
Giá trị xuất khẩu cá tra trong năm 2019 đạt 2 tỉ USD, giảm 11,7% so với cùng kì năm trước và không hoàn thành được mục tiêu đạt 2,3 tỉ USD đề ra.
Tình trạng dư cung nội địa và tồn kho cao tại Mỹ, một trong những thị trường quan trọng nhất đối với thủy sản Việt Nam, khiến các nhà xuất khẩu cá tra khó đạt được mục tiêu như năm ngoái.
Trong khi những nỗ lực hạn chế sản xuất đang được thực hiện, đại dịch virus corona đã ngăn cản mọi cơ hội phục hồi ngắn hạn mà ngành hi vọng trước đây.
Xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm giảm mạnh
Doanh số bán cá tra trong quí đầu năm 2020 giảm 29,3% xuống 334 triệu USD do các lô hàng bị gián đoạn đáng kể và xu hướng hạn chế nhập khẩu xảy ra ở hầu hết các thị trường trọng điểm của Việt Nam, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP).
Giá trị xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm đạt 449,5 triệu USD, giảm 27% so với cùng kì năm 2019.
Sự sụt giảm này đã được bù đắp một phần bởi sự gia tăng doanh số trong tháng 4 khi xuất khẩu tới Trung Quốc (gồm cả Hong Kong) tăng 20,1% cũng như tới Singapore tăng vọt 127,6% và tới Anh tăng 20,3%.
Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu lượng cá tra trị giá 111,1 triệu USD, giảm 20,2% nhưng vẫn là thị trường lớn nhất trong giai đoạn này.
Sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, Trung Quốc đã tiếp tục nhập cá tra vào tháng 3 và tháng 4, nhưng chủ yếu để dự trữ vì lo ngại rằng việc nhập khẩu sẽ bị hạn chế bởi việc gia hạn các biện pháp giãn cách của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4.
VASEP cho biết thêm việc mở cửa các nhà hàng ở Trung Quốc chậm lại khiến doanh số bán hàng qua kênh này giảm và một số người mua từ Trung Quốc cũng ép giá các nhà xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu sang Mỹ giảm 14,6% xuống còn 74,6 triệu USD trong 4 tháng đầu năm khi nước này phải ngăn chặn sự bùng phát của COVID-19. Giá trị xuất khẩu giảm 20,7% trong tháng 4 sau khi tăng 26,4% trong tháng 3.
Doanh số bán cá tra cho khối ASEAN giảm 24,4% xuống còn 53 triệu USD trong 4 tháng đầu năm. Giá trị xuất khẩu sang Thái Lan và Malaysia cũng giảm lần lượt 30% và 31% trong tháng 4.
Việc phong tỏa ở một số nước châu Âu cũng khiến doanh số bán sang Liên minh châu Âu trong quí I giảm với tổng giá trị xuất khẩu giảm 36% xuống còn 48,3 triệu USD trong 4 tháng đầu năm.
Ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết các thị trường lớn trong khối, bao gồm Hà Lan (giảm 29%), Đức (giảm 31%) và Bỉ (giảm 38,8%).
VASEP cho biết xuất khẩu cá tra Việt Nam không có khả năng tăng trở lại trong quý II do sự tình trạng dịch bệnh ở nhiều thị trường quan trọng không mấy cải thiện, tuy nhiên có thể phục hồi trong quí III.
Tại một hội nghị diễn ra vào đầu tháng 5 ở tỉnh An Giang, chủ đề về các biện pháp hỗ trợ của chính phủ nhằm thúc đẩy xuất khẩu cá tra đã được đưa lên bàn thảo luận.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ngành cá tra bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, với sự sụt giảm được ghi nhận trong cả nuôi trồng, sản lượng, xuất khẩu và giá cả.
Các quan chức đều đồng thuận rằng xuất khẩu cá tra sẽ giảm mạnh trong năm nay và bày tỏ lo ngại rằng xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn, gồm Mỹ, EU và Hàn Quốc, không có khả năng hồi phục cho đến khi đại dịch kết thúc.
Mặc dù thị trường Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi nhưng đây là một thị trường không ổn định, rủi ro cao đối với các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Diện tích nuôi cá tra của Việt Nam giảm 3,35% xuống 3.788 ha vào cuối tháng 4 và tổng sản lượng giảm 11,85% xuống còn 322.364 tấn, theo Tổng cục Thủy sản.
Do xuất khẩu giảm, giá bán ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp, gây thiệt hại cho nông dân.
Giá xuất tại trang trại trong tháng 5 dao động từ 18.000 - 18.200 đồng/kg, giảm khoảng 33% so với năm ngoái. Trong khi đó, chi phí sản xuất cho một kg cá tra là 21.000 - 22.000 đồng, có nghĩa là người nông dân hiện đang chịu thua lỗ.