Ngân sách thất thu 3.000 tỷ đồng/năm vì ngành bia khai gian khối lượng
Ngành sản xuất Bia ở Việt Nam lâu nay đã trở thành ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có 119 cơ sở sản xuất bia có sản lượng trung bình từ 20-25 triệu lít/năm/cơ sở. Sản lượng năm 2016 đạt 3,78 tỷ lít bia với mức nộp tổng ngân sách nhà nước lên tới con số 30.000 tỷ đồng. Cùng với đà phát triển này, dự kiến đến năm 2020 sản lượng bia của nước ta sẽ đạt 4,1 tỷ lít/năm và tăng lên 4,6 tỷ lít bia/năm vào năm 2025.
Tuy nhiên, thị trường bia Việt Nam đã và đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước. Tình hình sản xuất kinh doanh bia của nhiều doanh nghiệp còn thiếu thông tin chính xác; tình trạng nhập lậu bia, sản xuất bia giả vẫn còn tràn lan dẫn đến tình trạng thất thu ngân sách. Chỉ tính riêng năm 2016, chênh lệch giữa sản lượng bia khai báo nộp thuế và sản lượng thực tế là từ 7-10% tức là từ 2.100 tỷ đến 3.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc quản lý hiện nay cũng chưa kiểm soát được các vấn đề về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm bia tiêu thụ trên thị trường cũng như khả năng kiểm soát kịp thời lô hàng không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, thông qua đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia” với đề xuất dán tem bia đối với mặt hàng bia mới đây được đưa ra, Chính phủ mong muốn tạo ra một công cụ cụ thể để nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia với mục tiêu chống hàng giả, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế và hạn chế rủi ro tới sức khỏe người tiêu dùng.
Về phương án này, tem bia sẽ được dán ở tất cả sản phẩm bia sản xuất ở Việt Nam, nhập khẩu từ nước ngoài trước khi được đưa lưu thông trên thị trường.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá thành một sản phẩm nhãn bia giấy là 179 đồng và giá một sản phẩm nhãn bia in phun trực tiếp là 145,44 đồng. Giá trên đã bao gồm tất cả các loại phí và lệ phí (chưa bao gồm VAT), các chi phí đầu tư ban đầu, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng trong thời gian thực hiện đề án là 10 năm.
Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bia sẽ thanh toán nhãn bia cho nhà cung cấp và được tính là chi phí sản xuất.
Bộ Công thương cũng tính toán việc dán tem bia giúp ngân sách tăng thu hơn 2.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp giảm được các chi phí về thay đổi mẫu mã để tránh bị làm giả vì chi phí bao bì trong sản phẩm bia là khá lớn. Cụ thể, như bia lon từ 50-52% giá vốn, bia chai khoảng 40%.
Trước đề án này, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bia cũng bày tỏ những quan ngại nhất định khi các máy dán tem bia có công suất thấp (40.000 sản phẩm/giờ) so với các thiết bị hiện tại đang sản xuất lên tới 120.000 sản phẩm/giờ do đó có thể dẫn đến tình trạng ảnh hưởng của máy dán tem đối với năng suất lao động của nhà máy. Chưa kể các chi phí đầu tư thiết bị máy móc ban đầu và duy trì vận hành, bảo dưỡng; chi phí dán tem làm tăng chi phí doanh nghiệp, dẫn tới giảm lợi nhuận.
Công ty con của Sabeco thu 1.200 tỷ đồng nhờ nấu bia trong 8 tháng Với doanh thu 1.200 tỷ đồng từ sản xuất 173 triệu lít bia, Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi lãi gần 226 tỷ ... |
Thị trường Bia Việt Nam: Mảnh đất màu mỡ hút doanh nghiệp ngoại Thị trường bia Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây các doanh nghiệp ... |
Ngành Thuế, Hải quan bị 'tố' giải thích sai luật, tăng thu doanh nghiệp Nhóm Công tác Thuế của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa đưa ra những bất hợp lý của ngành Thuế, Hải quan Việt ... |