Ngân sách Nhà nước thu hồi được 14,88 nghìn tỷ đồng nợ thuế trong 6 tháng đầu năm
Trong Hội nghị sơ kết công tác tài chính NSNN 6 tháng đầu năm diễn ra sáng nay (18/7), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm ước đạt 651,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 523,4 nghìn tỷ đồng bằng 47,6% dự toán, tăng 15,5%; thu từ dầu thô ước đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, bằng 82,4 dự toán và tăng 25,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 146 tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, tăng 2%.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Trong 6 tháng đầu năm cơ quan thuế đã thực hiện trên 22,6 nghìn cuộc thanh tra và kiểm tra, kiến nghị thu vào 4,7 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào NSNN được gần 2 nghìn tỷ đồng); thu hồi được 14,88 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kê khai thuế điện tử, áp dụng hoá đơn điện tử, …
Giải ngân đầu tư cơ bản còn chậm
Cùng với đó, chi NSNN 6 tháng ước khoảng 649,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 130 nghìn tỷ đồng; trả nợ lãi 59,3 nghìn tỷ đồng, chi thường xuyên 455,8 nghìn tỷ đồng. Việc chi đầu tư cơ bản mặc dù có tiến độ giải ngân cao hơn năm trước nhưng vẫn chậm so với yêu cầu dự toán. Có tới 35 bộ ngành trung ương và 6 địa phương giải ngân đạt dưới 25% dự toán.
Giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng thương mại
Trong năm 2018, Bộ Tài Chính đã ban hành kế hoạch hành động với 166 nhiệm vụ đề án cụ thể để thực hiện các chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công. Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chương trình quản lý nợ trung hạn 3 năm giai đoạn 2018 - 2020 và trình phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ.
Về nợ công, Bộ Tài Chính đề xuất tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, dảm bảo khả năng trả nợ. Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ thực tế trong 6 tháng đầu năm là 13,61 năm, lãi suất bình quan khoảng 4,44%/năm. Cùng với đó, đa dạng các nhà đầu tư trái phiếu theo hướng giảm tỷ trọng nắm giữ của các ngân hàng thương mại từ 78% (2016) xuống còn 52%. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh, kiểm soát chặt chẽ bội chi và vay nợ của ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép.