|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng với 'liên khúc' rao bán và hạ giá các khoản nợ, tài sản thế chấp

15:42 | 21/02/2023
Chia sẻ
Khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Việc phát mãi tài sản bảo đảm, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.

Ngân hàng liên tiếp rao bán nợ và tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng lớn như Agribank, VietinBank, BIDV,... liên tiếp rao bán các khoản nợ, tài sản đảm bảo để thu hồi và xử lý nợ xấu. Có những khoản nợ có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và cũng có cả những khoản nợ không có tài sản đảm bảo với giá trị chỉ từ vài chục nghìn đồng.

Mới đây nhất “ông lớn” BIDV rao bán khoản nợ 447,3 tỷ đồng của CTCP Thép Việt Nhật trong đó dư nợ gốc là 194,1 tỷ đồng, dư nợ lãi là 253,1 tỷ đồng. Đây đã là lần thứ 14 BIDV thông báo rao bán khoản nợ này.

Tài sản thế chấp của khoản nợ là các bất động sản bao gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất và nhà máy cán Km 9 quốc lộ 5, Quán Toan, Hồng Bàng, TP Hải Phòng bao gồm văn phòng, nhà xưởng, nhà cân và gian bán hàng, hệ thống móng thiết bị nhà xưởng, đường dây 35KV và trạm biến áp, bãi để vật tư, bãi để sản phẩm số 1, nhà để xe.

Bên cạnh đó, tài sản thế chấp còn có xe Toyota Camry GLI, xe ô tô du lịch 5 chỗ Mercedes E240, là xe đầu kéo màu vàng hiệu International và xe Toyota Hiace 16 chỗ.

Agribank cũng khá chật vật trong việc thanh lý các bất động sản là tài sản bảo đảm cho khoản vay của CTCP Nông dược HAI tại TP HCM và Tiền Giang. Sau nhiều lần rao bán chưa thành công, ngân hàng đã phải hạ giá hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, Agribank đã lần thứ ba rao bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất 3.048 m2, tại số 358 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh (xây dựng trung tâm thương mại, cao ốc, văn phòng). Giá khởi điểm cho lô đất vàng trên là 171,7 tỷ đồng; giảm 18,6 tỷ đồng so với lần chào bán không thành công trước đó hồi tháng 11 và giảm 48,3 tỷ đồng so với lần chào bán hồi tháng 9 (gần 220 tỷ đồng).

Ngoài tài sản trên còn nhiều lô đất diện tích 2.287 m2; diện tích 2.352 m2; diện tích 1.920 m2; diện tích 2.193 m2; và quyền sở hữu công trình xây dựng trên diện tích đất 4.113 m2 tại Khu phố 3, phường 4, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Giá khởi điểm cho 5 tài sản trên hơn 42 tỷ đồng, giảm gần 18 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 10/2022.

Một ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank cũng thông báo bán đấu giá các khoản nợ Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại (XNK TM) Võ Thị Thu Hà. Tổng giá trị các khoản nợ tạm tính đến hết ngày 31/12/2022 là 1.422 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 567 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 575,8 tỷ đồng, lãi phạt quá hạn gần 279 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho các khoản nợ này gồm 5 quyền sử dụng đất tại khu phố 1, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; 4 quyền sử dụng đất tại phường Tân An, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và 4 kho, công trình xây dựng, máy móc thiết bị tại tỉnh Đồng Tháp.

Ngân hàng cũng đang phối hợp cùng Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình, TP Hà Nội để phát mại loạt tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là các căn hộ chung cư cao cấp tại Vinhomes Metropolis tại địa chỉ 29 Liễu Giai, Hà Nội.

Tại Sacombank, ngân hàng thông báo bán đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng quyền tài sản tại Dự án Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú theo nguyên trạng khoản nợ với tổng giá trị các khoản nợ ban đấu giá tính đến 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng trong đó dự nợ gốc là 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là 11.061 tỷ đồng.

Đây là lần thứ 5 Sacombank rao bán đấu giá các khoản nợ liên quan đến dự án KCN Phong Phú.Hồi tháng 3/2022, Sacombank đã bán đấu giá các khoản nợ này với giá khởi điểm 14.577 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là quyền tài sản phát sinh từ toàn bộ lợi ích thu được từ quyền sử dụng đất đã đền bù thuộc dự án KCN Phong Phú tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM. Dự án có quy mô 134 ha, bao gồm 67 ha đất KCN và 67 ha đất dành cho dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện).

Việc các ngân hàng liên tiếp rao bán nợ xấu cho thấy áp lực xử lý nợ xấu của các ngân hàng vẫn còn rất lớn, trong đó tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản là một trong những yếu tố cho thấy lĩnh vực bất động sản vẫn còn có ảnh hưởng lớn đến chất lượng tài sản của các ngân hàng.

70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng là BĐS

Theo thống kê từ FiinGroup, khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Việc phát mãi tài sản bảo đảm, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.

Tính đến cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã tăng lên 1,9%, nợ xấu gộp 4,5% (gồm cả nợ đã bán cho VAMC và tái cơ cấu). Chất lượng tín dụng đi xuống tại các ngân hàng sau khi Thông tư 14 hết hạn vào cuối tháng 6, từ đó nợ xấu đã được phản ánh vào báo cáo tài chính với các số liệu cho thấy hầu hết ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu tăng trong năm qua.

 

Theo thống kê từ báo cáo tài chính, dư nợ xấu tại thời điểm 31/12/2022 của 27 ngân hàng niêm yết cổ phiếu và giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng đến 35% so với hồi đầu năm, lên trên 136.400 tỷ đồng.

FiinGroup nhận định hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng ứng phó với rủi ro nhờ bộ đệm dự phòng lớn tuy nhiên vẫn có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

"Nhiều ngân hàng có sự chủ động trích lập dự phòng tương đối sớm, có đủ nguồn lực để đối phó với các rủi ro từ nợ xấu nhưng cũng có một số ngân hàng có tỷ lệ này còn khá khiêm tốn, họ sẽ đối mặt với áp lực trích lập dự phòng cao hơn và sụt giảm lợi nhuận trong năm 2023", Bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Khối Phân tích Định chế Tài chính FiinGroup cho hay.

Dự báo năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định sẽ có sự gia tăng nợ xấu và chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo do rủi ro từ vĩ mô thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành xuất nhập khẩu cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chu kỳ đi xuống của ngành bất động sản và những rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp.

Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.

Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng triển tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

Dù vậy, quy mô nợ xấu và chi phí tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng, dựa trên mức độ thận trọng của ngân hàng trong việc trích lập dự phòng và khả năng hồi phục tài chính của của khách hàng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Huyen Vi