Ngân hàng trước áp lực cải thiện tỷ lệ CAR
Nhìn lại tỷ lệ CAR và Basel II
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 41, điều chỉnh tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) xuống 8% thay vì 9% như trong Thông tư 36 trước đây. Tuy nhiên, Thông tư bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, tức là các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ phải chờ quy định này 3 năm nữa.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), tỷ lệ CAR của toàn hệ thống năm nay ước tính là 11,3%; trong đó tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản "có" rủi ro điều chỉnh là 8,6%.
Toàn hệ thống có 4/92 ngân hàng thương mại (NHTM) có tỷ lệ CAR dưới 9% và 10/118 TCTD âm vốn tự có. Nếu loại trừ các TCTD bị âm vốn tự có thì CAR của toàn hệ thống là 12,6%.
Kết quả áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel II tại 10 TCTD thí điểm cho thấy hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng.
Cũng theo nghiên cứu của NFSC, đối với 4 Ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, tỷ lệ CAR theo báo cáo hiện tại đã gần tiệm cận mức 9%. Đơn vị này cũng cho biết nếu hệ thống áp dụng Basel II, tỷ lệ này tại 4 nhà băng trên còn giảm xuống dưới 8%. Do đó, đây có thể là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng do quy định về tỷ lệ CAR.
"Tiến thoái lưỡng nan"
Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), có 3 phương án chủ yếu để một ngân hàng Thương mại cải thiện tỷ lệ CAR. Đầu tiên là tăng vốn cấp 1 (vốn điều lệ, quỹ dự trữ và lợi nhuận không chia) thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông; trả cổ tức bằng cổ phiếu; giữ lại lợi nhuận hoặc không chia cổ tức và bán cổ phiếu quỹ.
Cách thứ hai là tăng vốn cấp 2 (gồm lợi nhuận chưa công bố, giá trị tài sản đánh giá lại, các khoản dự phòng rủi ro và các khoản nợ thứ cấp) từ việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài. Cuối cùng là giảm tài sản rủi ro bằng cách hạn chế tăng trưởng tín dụng.
Phương án 1 có vẻ được nhiều ngân hàng áp dụng để cải thiện tỷ lệ CAR, trong đó có VietinBank và BIDV. Đại hội cổ đông BIDV từng thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu; trong khi VietinBank quyết định không chia cổ tức năm 2015.
Tuy nhiên, trước áp lực từ phía Bộ Tài Chính, NHNN đã chỉ đạo người đại diện phần vốn tại 2 ngân hàng này biểu quyết chi trả cổ tức bằng tiền để nộp ngân sách nhà nước. Cuối cùng, cả BIDV và VietinBank đều phải trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ lần lượt là 8,5% và 7%.
Trong số 3 NHTM Nhà nước niêm yết, Vietcombank được xem là "dễ thở" hơn cả khi tính đến hết năm 2016, tỷ lệ CAR tại ngân hàng này là 10,29%, cao hơn chuẩn Basel II.
Tuy nhiên, trong việc tăng vốn, Vietcombank cũng không phải ngoại lệ. Dù đã tìm được đối tác ngoại là Quỹ đầu tư GIC (Singapore) để bán 7,7% cổ phần, thương vụ này vẫn chưa được thực hiện do gặp khó khăn liên quan tới vấn đề giá bán.
Theo hãng tin Bloomberg, Chính phủ đã từ chối chấp thuận đề nghị GIC mua cổ phiếu VCB với giá thấp hơn giá thị trường. Trong khi, theo tính toán của hãng này, cổ phiếu Vietcombank đang giao dịch gấp 3 lần so với giá trị sổ sách.
Cả 3 NHTM Nhà nước đều gặp khó trong việc tăng vốn |
Thực tế, do gặp khó trong tăng vốn cấp 1, Vietcombank và VietinBank đều đã tăng vốn cấp 2 bằng cách phát hành trái phiếu dài hạn.
Mới đây, VietinBank vừa thông báo phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, nâng tổng số lượng trái phiếu phát hành trong tháng 12/2016 lên mức 4.900 tỷ đồng.
Trong năm qua, Vietcombank đã thực hiện chào bán thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 10 năm vào đầu tháng 12 năm ngoái nhằm tăng vốn điều lệ lên 38.650 tỷ đồng. Đại diện Vietcombank cho biết, NHNN đã cho phép Vietcombank phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu và dự kiến, 6.000 tỷ đồng trái phiếu còn lại cũng sẽ được dùng nhằm tăng vốn cấp 2.
Tuy nhiên, phát hành trái phiếu không hẳn là phương án tối ưu bởi lẽ, các ngân hàng vẫn chịu áp lực trả lãi và gốc khi đến hạn. Do đó, việc tăng vốn bằng cách này chỉ được xem là cứu cánh tạm thời.
Tương tự, hạn chế tín dụng để cải thiện Basel II cũng chỉ là giải pháp tình thế, do điều này tác động đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Mặt khác, nếu tín dụng bị bó buộc trong khi thanh khoản dư thừa sẽ đẩy lãi suất cho vay nâng cao do áp lực tăng từ lãi suất huy động.
Chờ đợi room ngoại hoặc giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước
Trong khi các giải pháp trên còn đang gặp khó khăn, các ngân hàng có thể trông chờ việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) từ phía Chính phủ.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ Việt Nam sẽ nâng trần room ngoại đồng thời mở rộng cánh cửa tiếp cận vào thị trường chứng khoán. Chính phủ sẽ cố gắng thực hiện ngay trong năm nay.
Nếu điều này trở thành sự thực, VietinBank có lẽ là ngân hàng vui mừng nhất. Bởi lẽ hiện tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank đang chạm ngưỡng 65% theo quy định tại Nghị quyết 15 của Chính Phủ.
Ngoài ra, 3 ngân hàng trên có thể trông chờ việc Chính phủ chấp thuận giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở khu vực này. Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực, NHNN cần xem xét hạ tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại 4 ông lớn còn 51%.
“Nếu 4 ngân hàng này có nhu cầu bơm vốn, áp lực lên ngân sách là rất lớn. Mặt khác, để phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế ASEAN (AEC) và TPP, Nhà nước cần có lộ trình điều chỉnh tỷ lệ này giảm dần xuống mức 65% rồi 51%.” – ông Lực chia sẻ.
Trước đó, năm 2015, đại diện của hai VietinBank và Vietcombank từng kiến nghị xem xét lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống 40% và 35%.