Ngân hàng thừa tiền, kim cương tồn kho chất đống
Theo CNBC, cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết từ tháng 1, các ngân hàng nước này đã có thêm 2.000 tỷ USD - con số kỷ lục - trong các tài khoản tiền gửi. Hơn hai phần ba số tiền gửi tăng thêm nằm tại 25 tổ chức tín dụng lớn nhất. Số tiền này tập trung tại những ngân hàng JPMorgan Chase, Bank of America và Citigroup.
Sự bùng nổ tiền gửi có thể chỉ đơn thuần là do các biện pháp giảm thiệt hại tài chính từ đại dịch Covid-19. Các chuyên gia cho rằng, khi lệnh phong toả có hiệu lực, các công ty lớn ngay lập tức rút về tài khoản hàng chục tỷ USD trong hạn mức tín dụng. Ban đầu, số tiền này được để tại các ngân hàng.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang giữ số tiền từ Chương trình Bảo vệ Tiền lương - sáng kiến 660 tỷ USD của chính phủ Mỹ nhằm cho vay doanh nghiệp nhỏ.
Các ngân hàng cũng đang tìm phương án để giải quyết số tiền dư thừa. Với khách hàng gửi tiền thì đây là điều không vui, các ngân hàng sẽ giảm lãi suất vì họ không cần thêm tiền nữa.
Không chỉ tiền, giới buôn kim cương cũng đang gặp khó vì không có khách mua. Hãng tư vấn Gemdax ước tính 5 hãng sản xuất kim cương lớn nhất thế giới đang ngồi tồn kho trị giá 3,5 tỷ USD. Con số này có thể chạm 4,5 tỷ USD cuối năm nay, tương đương một phần ba sản lượng khai thác hàng năm.
Hãng khai thác hàng đầu thế giới De Beers gần như không bán được viên kim cương thô nào kể từ tháng 2. Tại một trong những kho chứa kim cương lớn nhất thế giới, ẩn trong một tòa nhà văn phòng bình thường ở Botswana (Nga), số kim cương đang ngày một nhiều lên. Công ty khác là Alrosa cũng trong tình trạng tương tự.
De Beers và Alrosa đã phải tìm mọi cách để bảo vệ thị trường. Họ không hạ giá, nhưng cho phép người mua thoải mái hủy hợp đồng. Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Họ cũng giảm sản xuất để kiềm chế hàng tồn kho. Tuy nhiên, số kim cương vẫn ngày một nhiều lên.
Đại diện Alrosa cho biết, tồn kho kim cương có thể lên 30 triệu carat cuối năm nay, tương đương sản lượng cả năm. Họ muốn giảm con số này về 15 triệu carat trong 3 năm.
Trong khi đó, các hãng khai thác nhỏ hơn đã giảm giá bán. Một số giảm tới 25% do đã phải tìm cách tồn tại. Việc này khiến các hãng lớn khó thuyết phục người mua tìm đến mình.