Ngân hàng nói gì về vụ lộ thông tin giao dịch ở Thế Giới Di Động?
Bị lộ thông tin thẻ ngân hàng có nguy hiểm không? | |
Thế giới Di Động đẩy nghi vấn lộ thông tin thẻ của khách hàng sang ngân hàng? |
Sau khi tung hơn 5,4 triệu địa chỉ email và 31.000 bản ghi liệt kê số thẻ ngân hàng (che sáu chữ số ở giữa) được cho là của khách hàng từ Thế Giới Di Động trên RaidForums, tài khoản Erwincho tiếp tục phát tán 32 hàng thông tin, trong đó có 16 chữ số được cho là số thẻ ngân hàng đầy đủ. Điều này khiến những người từng thanh toán thẻ tại đây lo lắng.
Trao đổi với VnExpress, một số chuyên gia là lãnh đạo ngân hàng, các trung tâm thẻ cho rằng, kể cả hacker có đủ 16 chữ số trên thẻ, cũng chưa thể lấy được tiền của người dùng. "Chỉ trong trường hợp bị lộ tất cả thông tin về số thẻ, ngày hết hạn, ba số bí mật phía sau thẻ (mã CVV)..., đối tượng xấu mới có thể thực hiện giao dịch trên mạng", lãnh đạo một ngân hàng nói.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng bán lẻ nói thêm, mã CVV là dữ liệu mà chỉ có ngân hàng biết chứ một bên là điểm chấp nhận thanh toán (merchant) như Thế Giới Di Động không thể có được. Do đó, nếu dữ liệu này được hacker lấy từ đây như họ thông báo thì không thể có số CVV.
Giám đốc trung tâm thẻ của một ngân hàng quốc doanh trong danh sách 32 tài khoản bị lộ này nói, thẻ tín dụng đó đã hết hiệu lực và không còn tiềm ẩn rủi ro.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh lớn khác cũng nhìn nhận, những thông tin mà hacker có trong tay chưa đủ để lấy tiền từ tài khoản của người dùng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn sẽ chờ đánh giá của cơ quan điều tra (C50) để đi đến quyết định có thay lại toàn bộ thẻ tín dụng nếu khách của mình bị lộ thong tin hay không.
Mặc dù vậy, bất kể thông tin thẻ bị lộ (do hacker lấy từ Thế Giới Di Động hay ngân hàng, trung gian thanh toán) đều cho thấy, việc bảo mật thông tin chưa được các bên kiểm tra một cách nghiêm túc.
Để bảo đảm an toàn, một vài lãnh đạo ngân hàng cho rằng người dùng nên đổi mật khẩu email cá nhân, thay đổi mật khẩu giao dịch ngân hàng online banking và theo dõi hoặc đóng băng giao dịch bằng thẻ tín dụng chờ xác minh. Người dùng cũng không nên tò mò và đi tìm kiếm các tập tin chia sẻ trên diễn đàn hacker để tránh bị lây nhiễm virus về máy tính cá nhân.
Theo quy trình thanh toán thẻ hiện nay, chuyên gia về thanh toán và bảo mật của các ngân hàng nhận thấy, còn nhiều nghi vấn từ những thông tin hacker công bố, như việc họ lấy được thông tin thẻ từ một merchant như Thế Giới Di Động. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam phân tích, nếu thanh toán qua cà thẻ tại máy chấp nhận thanh toán (POS), việc lộ dữ liệu rất khó. POS của điểm chấp nhận thanh toán không thể nào lưu được thông tin về số thẻ hay mã CVV của khách. Hơn nữa, nếu các máy POS lưu được các thông tin thì hacker đã không cần phải cài cắm các thiết bị ăn cắp thông tin tại các máy ATM...
Thông tin thẻ tín dụng của khách hàng được cho là từ Thế Giới Di Động được chia sẻ tối 7/11 trên RaidForums.
Hàng tháng, ông cho biết, ngân hàng gửi đối soát giao dịch POS cho merchant nhưng thông tin thẻ khách hàng cũng được mã hoá các số thẻ ở giữa. Ngay cả khi ngân hàng gửi thông báo sao kê qua email cho chính chủ, trong sao kê cũng ẩn đi 6 hoặc 8 số giữa thẻ, thay bằng các ký tự xxxxxx để trong trường hợp email bị tấn công, thông tin thẻ cũng không bị lộ.
Tuy nhiên, vị này cho rằng, vì thông tin mà hacker có được là từ năm 2016, không loại trừ khả năng, lúc đó tiêu chuẩn bảo mật của một số ngân hàng còn lỏng lẻo, yếu kém... nên khi gửi tra soát cho merchant đã không mã hoá số thẻ ở giữa khiến thông tin bị đánh cắp.
Ngoài ra, theo dữ liệu công bố của hacker, bên cạnh số thẻ còn có cả email, số điện thoại khách hàng..., nên trường hợp này cũng có khả năng một số điểm bán hàng đã không tuân thủ đúng quy trình của ngân hàng. Tức là, họ tự ý gõ dữ liệu tên chủ thẻ và các thông tin cá nhân liên quan vào một trang riêng để lưu trữ dẫn đến nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu có thể xảy ra.
Dù khó lộ thông tin ở khâu cà POS nhưng các chuyên gia ngân hàng cho rằng có thể rủi ro vẫn nằm ở khâu thanh toán trực tuyến. Thông thường, các merchant này sẽ liên kết với một đơn vị trung gian thanh toán là bên thứ ba, và khả năng bị lộ số thẻ là ở trung gian thanh toán này. Tuy nhiên, chỉ số thẻ mới có thể bị lộ còn mã CVV thì rất khó vì thường được mã hoá theo chuẩn an toàn PCI DSS.
Thế Giới Di Động tối 7/11 cũng phát đi thông báo khẳng định rằng hệ thống của họ không bị hack và không lưu trữ những thông tin như số thẻ, ngày hết hạn, ngày giờ mua hàng... của khách nên không thể có việc những thông tin này bị lộ từ hệ thống của họ.
"Khi khách mua và cà thẻ tại cửa hàng, máy POS đọc thẻ là của ngân hàng. Như vậy bản chất là ngân hàng đang đọc thẻ của khách và chuyển dữ liệu về hệ thống của họ, Thế Giới Di Động không can thiệp vào quá trình này cũng như không được phép lưu trữ bất cứ thông tin nào của khách hàng", công ty giải thích. "Khi thanh toán online, thông tin sẽ nhảy sang cổng thanh toán của một bên thứ ba, nên trang web Thế Giới Di Động không thể lưu các thông tin của khách", thông báo nói.