|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng

14:24 | 21/01/2020
Chia sẻ
Hội đồng Chính sách BoJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lãi suất dài hạn khoảng 0% và BoJ cũng sẽ tiếp tục chương trình mua tài sản quy mô lớn.
Ngân hàng Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng - Ảnh 1.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 21/1, Ngân hàng Nhật Bản (BoJ - ngân hàng trung ương) đã nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này, song vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ "siêu nới lỏng."

Kết thúc cuộc họp chính sách hai ngày, với tỷ lệ 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Hội đồng Chính sách BoJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lãi suất dài hạn khoảng 0%. BoJ cũng sẽ tiếp tục chương trình mua tài sản quy mô lớn.

Về triển vọng kinh tế, BoJ dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 0,8% trong tài khóa 2020 (kết thúc vào tháng 3/2021), cao hơn so với mức dự báo 0,6% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.

Theo BoJ, nền kinh tế Nhật Bản đang trong xu hướng tăng trưởng vừa phải, mặc dù xuất khẩu, sản xuất và tâm lý doanh nghiệp vẫn yếu, chủ yếu do thiên tai và tình trạng giảm tốc của nền kinh tế thế giới.

BoJ cũng điều chỉnh nâng dự báo đối với tăng trưởng GDP thực trong tài khóa 2020 và 2021 lần lượt lên 0,9% và 1,1%, từ các mức 0,7% và 1% dự báo trước đó. Về giá cả, BoJ dự báo lạm phát lõi chỉ đạt 0,6% trong tài khóa 2019, 1% trong tài khóa 2020 và 1,4% trong tài khóa 2021, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết BoJ sẽ "không ngần ngại triển khai các biện pháp nới lỏng bổ sung" nếu cần.

BoJ nâng các mức dự báo triển vọng kinh tế sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm ngoái công bố gói kích thích tài chính mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước Mặt Trời mọc và giảm thiểu tác động của việc tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% thực hiện từ tháng 10/2019.

Cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm nay của BoJ diễn ra sau khi Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, qua đó gia tăng hy vọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Phương Oanh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.