|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 đến hết năm 2024

09:00 | 06/04/2024
Chia sẻ
Thông tư 02 về tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ dự kiến sẽ được gia hạn thêm 6 tháng so với thời hạn cũ.

 

Tại hội thảo Khơi thông nguồn vốn ra thị trường, do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 5/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, NHNN đã trình Chính phủ gia hạn thông tư 02 thêm 6 tháng, thay vì kết thúc vào 30/6 tới.

Đại diện NHNN đánh giá đây là chính sách giúp hỗ trợ doanh nghiệp cũng là hỗ trợ ngân hàng, nhưng nếu lạm dụng quá thì đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia, theo như thế giới cảnh báo. Bởi vì chính sách này là giấu đi một số khoản nợ xấu, khiến nó âm ỉ.

Do vậy, NHNN đề xuất gia hạn 6 tháng nữa, hết năm 2024 đánh giá tiếp. Nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì có cơ chế khác hỗ trợ, ông Tú cho hay.  

Kéo dài Thông tư 02 là nguyện vọng của nhiều ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu. Đại diện các ngân hàng cho rằng Thông tư 02 hết hạn sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn cho các doanh nghiệp trong khi đó, việc xử lý nợ xấu lại đang gặp khó khăn.

Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến 31/12/2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng. 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia việc tiếp tục áp dụng Thông tư 02 có thể có lợi trước mắt cho người đi vay và cả ngân hàng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn khi nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) không được thể hiện một cách chính xác. Với quy định này những con số tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ thấp hơn thực tế.

Theo bộ phận phân tích của FIDT, việc kéo dài Thông tư sẽ giúp các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hiệu quả hơn, không ảnh hưởng đột biến đến kết quả kinh doanh do dư địa để các NHTM xử lý nợ xấu hiện tại còn không nhiều cũng như tăng cường và tập trung nguồn lực xử lý cho các khoản nợ xấu còn tồn đọng nhằm ổn định chất lượng tài sản.

Tuy nhiên việc kéo dài Thông tư 02 không nên quá 1 năm, tránh tình trạng nợ xấu tiềm tàng tiếp tục khó kiểm soát và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng trở nên nghiêm trọng hơn.

Chia sẻ tại sự kiện nói trên, Phó Thống đốc cũng thông tin rằng thực tế đáng lo ngại là nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55%. Riêng năm 2023 tăng 2,03% nợ xấu nội bảng, chưa kể là các khoản nợ xấu được tạm thời cơ cấu lại, bán cho VAMC mà chưa được xử lý…

Đây là các con số cho thấy không thể đẩy mạnh tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để nền kinh tế gánh nợ xấu rất lớn, trở thành cục máu đông như cách đây hơn 10 năm mà xử lý cho đến bây giờ vẫn chưa hết.

 

H.T

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.