|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường tiền tệ tháng 2: Lãi suất qua đêm liên ngân hàng tạo đỉnh, tiếp tục kéo dài Thông tư 02

11:09 | 01/03/2024
Chia sẻ
Tháng 2 đã khép lại với mức tăng trưởng tín dụng không mấy tích cực, thiếu hụt thanh khoản tại một số ngân hàng trước và sau kỳ nghỉ Tết và tin vui về Thông tư 02 cho các ngân hàng.

Tín dụng giảm trong hai tháng đầu năm

Báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1 giảm 0,6% và tính đến ngày 16/2 giảm 1% so với cuối năm trước.

Riêng trong tháng 1, có 5/9 nhóm tổ chức tín dụng ghi nhận tín dụng giảm. Trong đó nhóm ngân hàng liên doanh ghi nhận tín dụng giảm mạnh nhất, ở mức 3,41%; ngân hàng 100% vốn nhà nước giảm 2,2%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giảm 0,88%; nhóm thương mại cổ phần giảm 0,51%; nhóm ngân hàng nước ngoài giảm 0,32%.

Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng tiêu biểu trong tháng 1 giảm mạnh hơn diễn biến của toàn ngành như Vietcombank (giảm 2,3% so với cuối năm 2023), BIDV (giảm 1,3%) hay MB (giảm 0,7%).

Mặc dù vậy, ghi nhận từ số liệu của Cục thống kê địa phương, tín dụng tại hai đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội và TP HCM vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương, lần lượt là 1,96% và 0,6% so với cuối năm 2023.

Nhiều chuyên gia kinh tế cùng đại diện các ngân hàng kỳ vọng tín dụng có thể tăng trở lại từ tháng 3 khi qua thời điểm Tết và do doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có những tín hiệu tích cực về đơn hàng, tiêu dùng trong nước cũng cải thiện. 

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Trái với diễn biến của cùng kỳ năm trước, lãi suất liên ngân hàng trong tháng 2 tăng mạnh nhưng đang có xu hướng hạ nhiệt dần về cuối tháng.

 

Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm bình quân trong tháng 2 (tính đến ngày 28/2) là 2,38%/năm, cao hơn 1,97 điểm % so với mức bình quân trong tháng 1, mức thay đổi là tương tự đối với lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần.

Tuy nhiên, biến động tăng của lãi suất liên ngân hàng là yếu hơn ở các kỳ hạn dài. Đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn 3-9 tháng không biến động nhiều trong tháng 2, đều giảm khoảng 0,2 điểm % so với mức trung bình của tháng trước.

Tại phiên giao dịch ngày 21/2, lãi suất cho vay qua đêm đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2023, đạt 4,14%/năm, nhưng đã hạ nhiệt dần ở các phiên giao dịch sau đó.

Song song với diễn biến trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã kích hoạt trở lại hoạt động bơm tiền qua kênh cầm cố trên thị trường mở với quy mô lớn hơn so với quy mô lẻ tẻ trong tháng trước.

Trong tuần 19 - 23/2, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày là 31.000 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ có 6.037,51 tỷ đồng trúng thầu với mức lãi suất 4,0%/năm. Ở cả hai phiên có thành viên trúng thầu (20/02 & 21/02), số lượng thành viên tham gia dự thầu và trúng thầu chỉ là một thành viên.

"Diễn biến trên cho thấy có hiện tượng thiếu hụt thanh khoản tại một số ngân hàng trước và sau dịp nghỉ Tết, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều này không đáng quan ngại và thanh khoản hệ thống có thể trở lại trạng thái bình thường trong tháng 3", VDSC nhận định.

NHNN cho phép kéo dài thời hạn Thông tư 02 như kỳ vọng 

Tại “Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng” diễn ra ngày 20/02, NHNN đã đưa ra một số thông điệp chính sách quan trọng.

Đầu tiên là định hướng thúc đẩy tín dụng vẫn là tiên quyết trong năm 2024. Thứ hai, lần đầu tiên NHNN đưa ra tuyên bố về triển vọng chính sách lãi suất điều hành với định hướng giữ nguyên trong nửa đầu năm 2024. Thứ ba, NHNN sẽ công bố văn bản điều hành trong quý I/2024 cho phép kéo dài thời hạn Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

 Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú. (Ảnh: SBV).

"NHNN nhất trí với chủ trương kéo dài Thông tư 02, còn thời gian kéo dài thêm bao lâu, nửa năm, một năm, hay bao nhiêu sẽ cần có đánh giá kỹ hơn. Đề nghị Vụ tín dụng cùng cơ quan thanh tra, vụ pháp chế, chính sách của NHNN đề xuất và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I/2024", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến 31/12/2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng. 

Mặc dù tốc độ tăng của quy mô nợ tái cơ cấu đã giảm dần qua các tháng, về mặt quy mô cũng thấp hơn giai đoạn COVID-19. Tuy vậy, có thể do tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, thị trường bất động sản còn khó khăn dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng không được tốt như giai đoạn trước, các ngân hàng đều mong muốn có thể kéo dài việc áp dụng Thông tư 02.

Đại diện các ngân hàng cho rằng Thông tư 02 hết hạn sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn cho các doanh nghiệp trong khi đó, việc xử lý nợ xấu lại đang gặp khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu như hiện nay.

H.T

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.