|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng Nhà nước: Hơn 361.000 tỉ đồng nợ xấu nội bảng đã được xử lí

14:55 | 22/08/2020
Chia sẻ
Theo số liệu của NHNN, từ cuối năm 2018 đến ngày 31/5, toàn hệ thống TCTD xử lí được 361.200 tỉ đồng nợ xấu nội bảng. Ngoài ra, các TCTD cũng xử lí được hàng trăm nghìn tỉ đồng nợ xấu nội bảng và ngoại bảng được xác định theo Nghị quyết 42.

361.200 tỉ đồng nợ xấu nội bảng được xử lí 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính từ cuối năm 2018 đến ngày 31/5, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lí được 361.200 tỉ đồng nợ xấu nội bảng. Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lí là gần 308.000 tỉ đồng (chiếm 85,3%), nợ xấu bán cho VAMC đạt hơn 48.500 tỉ đồng (chiếm 13,4%).

Đối với kết quả xử lí nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/5/2020, toàn hệ thống TCTD đã xử lí được gần 293.900 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lí nợ xấu nội bảng là 160.900 tỉ đồng, chiếm 54,76%. 

Xử lí các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42 là gần 67.300 tỉ đồng, chiếm 22,89%. Xử lí các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là gần 65.700 tỉ đồng, chiếm 22,35%.

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỉ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỉ đồng/tháng so với kết quả xử lí nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỉ đồng/tháng).

Theo NHNN, trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lí bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lí nợ xấu thông qua tài sản đảm bảo và khách hàng trả nợ còn chưa cao. 

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, xử lí nợ xấu nội bảng chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 121,4 nghìn tỉ đồng (chiếm khoảng 40,1% tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42 đã xử lí), cao hơn nhiều tỉ trọng nợ xấu được xử lí do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lí trung bình năm từ 2012 - 2017 là khoảng 22,8%.

Xử lí tài sản đảm bảo vẫn còn nhiều vướng mắc

Báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, NHNN cũng cho biết quá trình triển khai Nghị quyết số 42 còn cho thấy một số khó khăn, vướng mắc trên thực tế cần sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan xử lí, để các chính sách, giải pháp của Nghị quyết 42 được áp dụng hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đánh giá dịch bệnh COVID-19 hiện nay đang tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của các TCTD. Dự báo dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường và ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế xã hội nói chung cũng như kết quả xử lí nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Để đảm bảo công tác xử lí nợ xấu theo Nghị quyết 42 được triển khai có hiệu quả thời gian tới, giải pháp cần thiết là giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết 42. 

Trong đó bao gồm những khó khăn cụ thể liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành, địa phương; việc bán nợ xấu và tài sản đảm bảo theo giá trị thị trường; phát triển thị trường mua bán nợ; cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm; quyền thu giữ tài sản đảm bảo; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo và xử lí tài sản đảm bảo;….

Quốc Thụy