Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc tín dụng, yêu cầu giảm mặt bằng lãi vay
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Theo đó, NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, rà soát tình hình thu phí đáng áp dụng tại TCTD để xem xét, miễn giảm các loại phí không cần thiết, công khai mức phí cung ứng trong hoạt động kinh doanh của TCTD.
Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cho vay để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu cập nhật của NHNN, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2,5% trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong 10 tháng đầu năm 2024. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; đến ngày 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, đặc biệt dịp Tết nguyên đán 2025, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến ngày 31/10 đạt 10,08% so với cuối năm 2023. So với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng đã tăng 16,65%.
Các TCTD cũng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng như Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; Chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản; Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long,…
Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp với từng phân khúc khách hàng, chủ động truyền thông về chính sách lãi suất của các chương trình, sản phẩm tín dụng của TCTD để khách hàng nắm bắt và tiếp cận chính sách.
Thực hiện các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp.