|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng Nhà nước: 'Sẽ tăng dự trữ ngoại hối khi điều kiện thị trường thuận lợi'

16:32 | 08/01/2021
Chia sẻ
Một trong những mục tiêu và nhiệm vụ chính của ngành ngân hàng trong năm 2021 là triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng và tăng dự trữ ngoại hối khi điều kiện thị trường thuận lợi.
5 nhiệm vụ trọng tâm ngành ngân hàng năm 2021 - Ảnh 1.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Quang Hưng).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021.

Chỉ thị nêu ra các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành ngân hàng trong năm 2021.

Cụ thể, NHNN mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Năm 2021, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Cùng với đó, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là các TCTD yếu kém. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD và tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. 

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đổi mới, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái số. 

Cùng với đó là giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, an toàn và hiệu quả và tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về thanh toán đảm bảo đồng bộ

Song song, cần tập trung triển khai hiệu quả, thực chất cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm tạo điều kiện môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng thông thoáng, thuận lợi hơn.

Ngoài ra, chỉ thị cũng nêu một số nhiệm vụ khác của ngành trong năm tới như chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực ngân hàng; Tăng cường quan hệ, tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng chính sách, sáng kiến, nâng cao vị thế của Việt Nam và NHNN tại các tổ chức tài chính tiền tệ, các diễn đàn khu vực/thế giới và các đối tác quốc tế khác....

Cuối cùng, ngành sẽ tiếp tục triển khai việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các Chương trình/Kế hoạch hành động và các Đề án đã ban hành.

Lê Huy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.