|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng liên tục rao bán các khoản nợ xấu nhưng ế ẩm, áp lực lên trích lập dự phòng

13:49 | 27/07/2022
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ, nhưng vẫn không ai mua. Theo các chuyên gia, nợ xấu sẽ tiếp tục tăng lên và các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro.

Ngân hàng rao bán khoản nợ nhưng ế

Nhiều ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank,… liên tục rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ tuy nhiên nhiều khoản nợ vẫn chưa thể bán được. Trong đó có cả những khoản nợ lớn trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

VietinBank thông báo lựa chọn đơn vị để định giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà với tổng trị giá khoản nợ là 1.364 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc là 567,4 tỷ đồng, lãi trong hạn là 537,2 tỷ đồng và lãi quá hạn là 259,6 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là 4 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương và 5 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại KP 1 thị xã Chơn Thành, huyện Chơn Thành tỉnh Bình Phước. Ngoài ra còn có các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền vứi đất là 4 nhà máy kiêm kho gạo thuộc sở hữu của Công ty Võ Thị Thu Hà tại tỉnh Đồng Tháp.

VietinBank cũng thông báo bán hoặc chuyển nhượng toàn bộ khoản nợ (gốc, lãi, phí…) của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Dầu Khí Đại Lộc. Tổng dư nợ là 119 tỷ đồng bao gồm nợ gốc là 80,3 tỷ đồng và nợ lãi là 38,6 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là lô đất tại địa chỉ 336 Nguyễn Chí Thanh, phường 5, quận 10, TP HCM cùng một số tài sản khác như xe ô tô và hàng tồn kho luân chuyển.

 Ngân hàng rao bán khoản nợ nhưng chưa tìm được chủ mới. (Nguồn: Thanh niên)

BIDV cũng thông báo bán đấu giá tài sản, khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà Bách Giang có tổng trị giá 253 tỷ đồng bao gồm dư nợ gốc hơn 97 tỷ đồng, nợ lãi hơn 155 tỷ đồng và khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng thương mại Cao Nguyên trong đó dư nợ gốc hơn 100 tỷ đồng, nợ lãi hơn 161 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là phần tài sản hình thành từ vốn vay liên quan dự án Khu dân cư khu phố 4 tại phường Phước Long A (TP Thủ Đức, TPHCM). Giá khởi điểm được ngân hàng đưa ra là 252,8 tỷ đồng, cao hơn 27% so với dư nợ gốc (198 tỷ đồng), nhưng thấp hơn một nửa so với giá trị nợ, lãi đến nay.

BIDV cũng rao bán khoản nợ 123 tỷ đồng của Công ty TNHH GAC Việt Nam trong đó dư nợ gốc hơn 104 tỷ đồng, dư nợ lãi là hơn 18 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số nhà 8A1, đường 379, khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú, quận 9, TP. HCM và tại số 38, đường Dương Đức Hiền, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. HCM. Khoản nợ này từng được BIDV rao bán hồi tháng 6/2020 với giá khởi điểm 112,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng thông báo phát mại tài sản đảm bảo tại số 117 đường Đông Tĩnh (phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc thửa số 2166 có diện tích 995,26 m2. Tài sản bảo đảm này là của ông Vũ Hoa Cường do Chi cục thi hành án dân sự TP Đà Lạt kê biên, bảo đảm thi hành án theo quyết định thi hành án số 50 ngày 12/1/2021. Giá đấu khởi điểm là 50 tỷ đồng, khách hàng tham gia đấu giá đặt cọc 10%.

Agribank thông báo bán đấu giá hai thửa đất số 84-395 và 100-395 tại xã Phú Mỹ (Nay là phường Tân Phú), Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh. Đây là đất làm nhà ở có thời hạn sử dụng lâu dài. Diện tích hai thửa đất lần lượt là 263 m2 và 796 m2. Giá khởi điểm của hai tài sản này lần lượt là hơn 18,8 tỷ đồng và gần 58,8 tỷ đồng, chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Nợ xấu gia tăng, ngân hàng phải tăng thêm dự phòng

Theo thống kê của Vietnam Report, nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh. Sức ảnh hưởng của đại dịch lên bảng cân đối kế toán của nhà băng được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài khi doanh nghiệp chưa thể phục hồi và những khoản nợ sau khi được tạo điều kiện cơ cấu lại đang xếp ở nợ nhóm 1 và 2 nhưng vẫn không thể cải thiện sẽ buộc hệ thống phải chính thức ghi nhận là nợ xấu, đặc biệt là sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022.

Nợ xấu có xu hướng tăng lên và cũng là một trong những thách thức lớn nhất của toàn ngành trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020.

“Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, qua đó làm giảm lợi nhuận trong năm nay”, chuyên gia của Yuanta nhận định.

 Tỷ lệ trích lập dự phòng trên nợ xấu (LLR) của các ngân hàng quý I/2022. (Nguồn: FiinPro, Yuanta Việt Nam)

Do triển vọng về nợ xấu gia tăng vào năm 2022 nên từ cuối năm trước, phần lớn các ngân hàng đã tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro để giúp cải thiện chất lượng tài sản cũng như “dự phòng” lợi nhuận cho năm nay. kết quả khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, 45,5% số ngân hàng dự kiến tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, 36,4% số ngân hàng duy trì mức trích lập dự phòng rủi ro như năm trước và chỉ có 18,2% giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS, về tổng thể không phải 100% số nợ đều trở thành nợ xấu, tuy nhiên vẫn sẽ khiến cho trích lập dự phòng của khối ngân hàng trong hai năm tới tăng lên. Những ngân hàng tốt và lành mạnh vân sẽ trích lập dự phòng trước. 

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.