|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng lãi lớn trong đại dịch có bất thường?

11:31 | 30/07/2021
Chia sẻ
Theo lý giải của các chuyên gia ngân hàng, kết quả tích cực này là sự tổng hoà của nhiều yếu tố từ quản trị, vốn, chi phí lãi suất, thu nhập ngoài lãi,...

Trong buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021” sáng nay (30/7), ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị Trường vốn HSBC Việt Nam, và ông Lý Hoài Vân, Phó Tổng giám đốc OCB, đã có những lý giải về hiện tượng lợi nhuận ngân hàng tăng cao trong đại dịch.

Theo ông Khoa, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nâng cao năng lực quản trị và tài chính thông qua việc tăng vốn điều lệ, đảm bảo các chỉ số an toàn CAR. Đồng thời nhiều ngân hàng đã áp dụng chuẩn mực của Basel II giúp cho hệ thống tài chính của ngân hàng vững mạnh hơn.

Ngân hàng lãi lớn trong đại dịch có bất thường ? - Ảnh 1.

Ông Ngô Đăng Khoa. (Ảnh: HSBC Việt Nam).

Cũng theo ông, các ngân hàng đầu tư rất nhiều vào mảng công nghệ, kỹ thuật số và thanh toán trực tuyến. Điều này tạo điều kiện cho các khách hàng thanh toán dễ dàng, bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Qua đó thu hút được nhiều khách hàng để tiền trong tài khoản, tăng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tạo ra nguồn vốn chi phí rẻ cho ngân hàng.

"Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phần lớn các doanh nghiệp không mở rộng đầu tư sản xuất, tiền sẽ nằm trong tài khoản ngân hàng để phòng ngừa. Khi CASA tăng lên, phần chi phí vốn của ngân hàng giảm đi, hỗ trợ tăng thu nhập từ lãi. Ngoài ra, các ngân hàng cũng tăng nguồn thu từ phí bảo hiểm, bảo lãnh hoặc từ các hoạt động kinh doanh các giấy tờ có giá," ông Khoa cho biết.

Ông cũng cho biết quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tại các TCTD trong những năm vừa qua cũng đã tạo điều kiện luân chuyển vốn, tăng lãi bất thường cho các ngân hàng. Đồng thời, Thông tư 01 về việc giãn trích lập nợ xấu do ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng góp phần giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

Đại diện cho OCB, ông Lý Hoài Vân, Phó Tổng giám đốc OCB, cũng chia sẻ thêm 4 yếu tố hỗ trợ hoạt động ngân hàng trong hai năm qua.

Ngân hàng lãi lớn trong đại dịch có bất thường ? - Ảnh 2.

Ông Lý Hoài Văn - Phó Tổng Giám đốc OCB. (Nguồn: OCB).

Theo đó, ông Vân cho biết trong cuộc khủng hoảng lần này, hệ thống tài chính vẫn đang hoạt động rất tốt nhờ những chính sách của các ngân hàng trung ương can thiệp kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp.

Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam trong hai năm vừa qua đã tăng trưởng với GDP bình quân trên 6%, tỷ giá và lãi suất được duy trì ổn định giúp ngành ngân hàng hoạt động tốt.

Sau cuộc khủng hoảng 2008 - 2009, Chính phủ đã đi qua giai đoạn cơ cấu hệ thống tài chính 5 năm lần thứ nhất. Các ngân hàng đã áp dụng được các những chuẩn mực về quản trị và điều hành, đặc biệt là Basel II, đồng thời đáp ứng được năng lực tài chính, đặc biệt về vốn và xử lý nợ xấu. 

Việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh nhờ các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Hầu hết ngân hàng đã xử lý được nợ xấu bán cho VAMC giúp nâng cao nền tảng của ngân hàng tốt hơn.

Cuối cùng, nhờ có nền tảng tốt, các ngân hàng đã gia tăng các sản phẩm dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu. Trước đây, các ngân hàng thu từ tín dụng trên 90% thì đến nay các ngân hàng tăng thu từ dịch vụ và các nguồn khác, từ đó giảm được sự phụ thuộc vào tín dụng. Đây là nền tảng giúp cho ngân hàng hoạt động tốt trong thời gian sắp tới

Phương Nga