|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng không còn lãi lớn từ chứng khoán đầu tư?

07:34 | 11/08/2022
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng cho thấy sự sụt giảm mạnh trong lãi thuần từ chứng khoán đầu tư trong nửa đầu năm 2022 khi lãi suất điều hành chịu áp lực lớn từ yếu tố bên ngoài. Dự báo trong nửa cuối năm, dưới áp lực lãi suất tăng và lạm phát, giá trái phiếu Chính phủ có thể chịu tác động bất lợi.

Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm mạnh tại nhiều ngân hàng

Mảng mua bán chứng khoán đầu tư từng mang lại lãi lớn cho nhiều ngân hàng trong năm 2021 nhưng trong nửa đầu năm 2022, thu nhập từ mảng này ghi nhận sự phân hoá mạnh giữa các nhà băng. Tỷ trọng sụt giảm chiếm xu hướng chủ đạo.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của các ngân hàng, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư của nhiều ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với nửa đầu năm ngoái. Tổng lãi thuần từ chứng khoán đầu tư của các 28 ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt 4.995 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

 Nguồn: Huyền Vi tổng hợp.

Trong đó, hầu hết ngân hàng đều có sự sụt giảm về lãi thuần chứng khoán đầu tư, thậm chí có 4 ngân hàng chuyển từ lãi sang lỗ.ABBank từ lãi 23 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư trong nửa đầu năm ngoái thành lỗ 21,1 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.  

Hay như VIB lỗ 12,8 tỷ đồng, VietCapital Bank lỗ 1,6 tỷ đồng, BaoVietBank lỗ 119 tỷ đồng (gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước) từ mảng này.

Tại Sacombank, lãi thuần mảng chứng khoán đầu tư giảm tới 96% từ 51,5 tỷ đồng xuống còn 1,8 tỷ đồng. Nguyên nhân là thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư sụt giảm gấp gần 5 lần so với cùng kỳ, từ 88,2 tỷ đồng vào kỳ trước xuống còn 18,2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

Nhiều ngân hàng khác cũng chung tình cảnh sụt giảm mạnh về lãi thuần từ hoạt động chứng khoán đầu tư như Vietbank và VietABank (đều giảm 84%), KienLongBank (giảm 80%), ACB (giảm 73%), VPBank (giảm 68%).

Tại VPBank, lượng trái phiếu Chính phủ tại thời điểm ngày 30/6 đạt 510,4 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cuối năm 2021. Trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trong lớn nhất trong doanh mục chứng khoán đầu tư của ngân hàng.

Chi tiết khoản mục chứng khoán đầu tư của VPBank (Nguồn: BCTC quý II VPBank)

Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng mạnh. LienVietPostBank là ngân hàng có mức tăng trưởng lớn nhất khi lãi thuần của mảng chứng khoán đầu tư trong nửa đầu năm nay đạt mức 346,6 tỷ đồng, gấp 173 lần so với cùng kỳ.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng 3-4 lần so với cùng kỳ năm trước, như Eximbank (tăng 345%), SeABank (tăng 334%), NCB (tăng 322%).

Tác động tiêu cực từ áp lực tăng lãi suất nửa cuối năm

Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng, trái phiếu là thường loại hình đầu tư phổ biến trong đó trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng thường chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ba lần giảm lãi suất điều hành kéo theo lợi suất trái phiếu giảm và giá trái phiếu đã tăng lên đáng kể khiến các ngân hàng thu lời lớn từ việc bán trái phiếu.

Tuy nhiên trong thời gian qua, Fed đã 4 lần tăng lãi suất và đã tiếp tục quyết định nâng lãi suất cơ bản đồng USD vào ngày 27/7 với mức 0,75% đưa lãi suất hiện tại của nền kinh tế lên mức 2,25-2,5% (mức cao nhất kể từ tháng 12/2018).

Mặt bằng lãi suất trên các thị trường dần nhích tăng khiến các ngân hàng không còn hưởng lợi nhiều từ chênh lệch giá mua bán trái phiếu, đồng thời áp lực tăng lãi suất tiếp tục gia tăng vào cuối năm.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng cho biết trong 5 tháng đầu năm, điều hành chính sách lãi suất chịu áp lực lớn từ bên ngoài: lạm phát tăng trên toàn cầu và ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất. 

Theo các chuyên gia của Chứng khoán Bảo Việt, với nền kinh tế tăng trưởng tốt trong bối cảnh tiền VND chịu áp lực mất giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát được đặt lên cao hơn, NHNN bắt đầu có những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ hơn và nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất.

SSI Research cũng cho rằng trước những áp lực về lạm phát và tỷ giá tăng nhanh trong quý II/2022, NHNN đã sử dụng công cụ bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối nhằm có thể ổn định thị trường và hạn chế việc tác động lên mặt bằng lãi suất.

Tuy nhiên, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng-tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào, nếu đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh. Do đó, áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu, nếu hạn mức tín dụng được nới.

Ngoài ra, Fed có thể tăng thêm một đợt lãi suất 0,75% vào cuối năm. Dự báo, lãi suất tham chiếu của Fed có thể tăng lên mức 3,1-3,6% vào cuối năm nay và 3,6-4,1% vào cuối năm 2023.

Dưới áp lực của lạm phát cũng như lãi suất, giá trái phiếu chính phủ có thể chịu những tác động bất lợi trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất có thể sẽ chưa quá lớn để vẫn có thể hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch.

Huyen Vi

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.