Ngân hàng do Trung Quốc hậu thuẫn kết nạp 13 thành viên mới
Theo AFP, ngân hàng đa phương có trụ sở ở Bắc Kinh và bắt đầu hoạt động từ năm ngoái được xem là đối thủ với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - nhà băng vốn được thành lập hồi năm 1966.
AIIB với số vốn 100 tỉ USD hiện có nhiều thành viên châu Âu sau khi các nước này đồng ý gia nhập, bất chấp sự phản đối của Washington. Mỹ đã và đang thuyết phục nhiều nước đồng minh không tham gia ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng.
Trong các thành viên mới được AIIB chấp thuận có đặc khu Hồng Kông, Canada, Venezuela, Afghanistan, Ireland, Hungary, Belgium, Peru, Ethiopia và Sudan. Các thành viên mới sẽ chính thức tham gia vào AIIB sau khi gửi khoản tiền vốn đầu tiên của họ và hoàn thiện quy trình theo yêu cầu của từng thành viên. Tính đến thời điểm này, AIIB có 70 nước, vùng lãnh thổ tham gia.
“Sự quan tâm đến việc gia nhập AIIB đến từ khắp nơi trên thế giới khẳng định sự tiến bộ nhanh chóng mà chúng tôi đã đạt được trên đường thành lập một nhà băng với tư cách tổ chức quốc tế”, Chủ tịch AIIB Jin Liqun cho hay.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng AIIB sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn thấp cho các dự án, làm suy yếu các nguyên tắc bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường vốn được WB và các tổ chức tài chính đa phương khác tôn trọng.
Mỹ và Nhật Bản - nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới - từ chối tham gia AIIB. Tháng 6.2016, nhà băng này phê duyệt bốn khoản vay đầu tiên với giá trị hơn nửa tỉ USD cho các dự án ở Pakistan, Indonesia, Tajikistan và Bangladesh. Các khoản cho vay này được phối hợp với ADB và WB, hai tổ chức tài chính được xem là đối thủ của AIIB.