Ngân hàng có nên cung cấp số dư tài khoản cho ngành thuế?
Theo bà Trang, quy định như trên là chưa phù hợp vì yêu cầu đảm bảo bí mật thông tin khách hàng là nguyên tắc của ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Lo bị lạm dụng
Bà Trang cho hay, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận của khách hàng. Do đó, nữ đại biểu này cho rằng cần có sự hài hòa giữa hai quy định để không ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của ngân hàng, tránh lạm dụng trong việc yêu cầu cung cấp thông tin, dẫn đến ngân hàng vi phạm pháp luật.
“Đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ trường hợp cung cấp thông tin, thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin và đặc biệt phải quy định chặt chẽ việc khấu trừ tiền trong tài khoản để nộp thuế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản”, bà Trang kiến nghị.
ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, việc yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp số dư tài khoản của khách hàng cho ngành thuế là không phù hợp, vi phạm quy định về bí mật thông tin. (ảnh minh họa: Ngọc Châu) |
Trái với quan điểm trên, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) không đồng tình và cho rằng, quy định yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế là hợp lý, để “hỗ trợ cơ quan thuế đảm bảo nguồn thu thuế”. Bà Thơ phân tích, vừa qua các ngân hàng thương mại đã cung cấp thông tin tài khoản doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. Song thực tế một cá nhân có nhiều tài khoản khác nhau. Nếu không kiểm soát chặt chẽ các tài khoản này có thể dẫn tới thất thu thuế.
Giải đáp về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, luật hiện hành đã quy định và theo luật mẫu của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hay của các nước OECD khuyến nghị thì chúng ta phải có việc này, phải chế tài sao cho phù hợp. Đặc biệt, trong điều kiện chúng ta đang phát triển giao dịch đầu tư cũng như thương mại qua biên giới thì ngân hàng là cổng thanh toán ra nước ngoài. Do đó không quản lý thì không được, chưa kể nền kinh tế của ta là kinh tế tiền mặt nên có nhiều vấn đề phải xử lý, phải rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó có ngân hàng.
Cơ quan thuế để sót lọt nguồn thu lớn?
Bày tỏ sự băn khoăn trước việc “Kiểm toán nhà nước bị đẩy ra ngoài dự thảo luật”, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, trong bối cảnh thuế khoán còn chưa siết chặt để chống thất thu, lẽ ra phải rà soát, bổ sung các cách thức để siết chặt các lỗ hổng thay vì hạn chế, thu hẹp các chủ thể có chức năng thanh tra, kiểm toán, làm trong sạch môi trường quản lý thuế. Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý thuế, hải quan thực hiện rất nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, ông Dũng cũng nêu thực tế có trường hợp người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng nên kiện lên cơ quan thuế. Vậy trong trường hợp này, ai đề nghị, ai kết luận thì người đó phải giải trình trước tòa (nếu ra tòa)?
Dùng quyền tranh luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc bày tỏ không đồng tình với ý kiến cho rằng kiểm toán thực hiện đối chiếu sai nên các đối tượng nộp thuế kiện, liên lụy đến cơ quan thuế. “Tôi làm Tổng Kiểm toán gần 3 năm và chưa có trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế” - Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, đồng thời nhấn mạnh việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là hết sức lớn. Dẫn ví dụ đối chiếu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi, ông Hồ Đức Phớc cho biết thất thu thuế 94% so với số đối chiếu. Kiểm tra dữ liệu cho thấy chính việc chọn không chính xác nên nhiều doanh nghiệp sau khi nằm trong dạng rủi ro không thu được thêm thuế.
“Kiểm toán Nhà nước nỗ lực kết sức mình khi được Quốc hội giao kiểm toán, không chỉ chi tiêu công, tài sản công mà kể cả hoạt động của cơ quan thuế trong vấn đề thu thuế. Chúng tôi chịu trách nhiệm về kết luận của mình” - Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định và nói thêm, “đụng” vào doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó ý kiến nhưng khi kiểm tra trở lại, có doanh nghiệp đề nghị được nộp thuế mà không bị xử phạt. “Việc có xử phạt hay không là quyết định của cơ quan thuế chứ chúng tôi không quyết định được”, ông Hồ Đức Phớc nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, luật hiện hành đã quy định và theo luật mẫu của IMF hay của các nước OECD khuyến nghị thì chúng ta phải có việc này, phải chế tài sao cho phù hợp. Đặc biệt, trong điều kiện chúng ta đang phát triển giao dịch đầu tư cũng như thương mại qua biên giới thì ngân hàng là cổng thanh toán ra nước ngoài. Do đó không quản lý thì không được, chưa kể nền kinh tế của ta là kinh tế tiền mặt nên có nhiều vấn đề phải xử lý, phải rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó có ngân hàng. |
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/