|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng chủ động ràng buộc công ty fintech trong bảo mật thông tin khách hàng

20:03 | 25/03/2022
Chia sẻ
"Ngân hàng cần chủ động ràng buộc công ty fintech trong việc bảo mật thông tin khách hàng" là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu ra tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021.

 

Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021 (Vietnam Retail Banking Forum) do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh ngày 25/3.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhờ đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ, các ngân hàng giữ được tốc độ tăng trưởng, vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; đồng thời, tạo ra những giá trị gia tăng, hỗ trợ khách hàng trong lúc khó khăn.

Đáng chú ý, sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các ngân hàng, công ty tài chính, fintech… với phạm vi rộng hơn đã góp phần xây dựng hệ sinh thái số. Qua đó, giúp các bên tận dụng được thế mạnh của nhau; rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí trong quá trình chuyển đổi số của các tổ chức tín dụng.

Thực tế tại các ngân hàng, việc bắt tay với fintech hay các công ty tài chính trở thành xu hướng mới nhằm gia tăng giá trị, tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Ông Linh Đức Hoàng, Trưởng ban Khách hàng cá nhân Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, việc hợp tác, liên kết để cùng phát triển là sự lựa chọn của Agribank trong chiến lược đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng.

Ngoài việc kết nối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội… thanh toán thu chi ngân sách qua hệ thống ngân hàng, Agribank chú trọng đến việc đa dạng hóa hệ sinh thái số bằng việc hợp tác với các công ty fintech cung cấp cổng thanh toán hóa đơn tập trung với trên 15 loại dịch vụ khác nhau thuộc các lĩnh vực giáo dục, điện nước, viễn thông, bảo hiểm, bệnh viện, công ty tài chính.

Đến hết năm 2021, Agribank đã triển khai ký thỏa thuận hợp tác với trên 2.000 nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện các dịch vụ thanh toán thu hộ, chi hộ phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh việc hợp tác, các ngân hàng cũng đang nỗi lực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số nhằm thu hút khách hàng, tăng lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Lê Hữu Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc Công ty KMS Solutions, các ngân hàng Việt Nam đang trên đà đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng lợi thế cạnh tranh so với các tổ chức tài chính và công ty fintech, bắt đầu từ những đổi mới cốt lõi về mặt công nghệ giúp tiếp cận và phục vụ khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, đi cùng với các cơ hội phát triển, các doanh nghiệp này cũng phải đối diện với những thách thức trong hệ thống công nghệ thông tin, bảo mật và trải nghiệm người dùng.

Theo đó, các ngân hàng không chỉ chuyển hướng sang ứng dụng các nền tảng ngân hàng hiện đại với cấu trúc microservices (kỹ thuật phần mềm mà trong đó các dịch vụ được xử lý tốt và các giao thức rất nhẹ) và API (giao diện lập trình ứng dụng), giúp cho ra mắt những sản phẩm công nghệ mới nhanh hơn thay vì tốn nhiều tháng để phát triển mới mà còn đầu tư vào các giải pháp bảo mật và gia tăng sự tin tưởng của khách hàng trên môi trường số.

“Việc đổi mới về mặt công nghệ cũng như bảo mật hứa hẹn sẽ đem đến những trải nghiệm nhất quán, sự tin tưởng từ phía khách hàng, thúc đẩy hiệu quả hoạt động tạo sự bứt phá trong kinh doanh”, ông Lê Hữu Tấn Tài cho biết.

Tại diễn đàn, ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ ra một số vấn đề pháp lý trọng yếu còn là điểm nghẽn trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện nay. Đó là những vấn đề pháp lý liên quan đến xác thực khách hàng trong giao dịch điện tử; khai thác, kết nối cơ sở dữ liệu khách hàng của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC); phòng chống rửa tiền đối với các giao dịch của cá nhân và vấn đề pháp lý về bảo mật thông tin trong hợp tác giữa tổ chức tín dụng và công ty fintech.

Theo ông Phạm Thanh Ngọc, trong thời đại phát triển số, việc ngân hàng hợp tác với các công ty fintech là xu hướng tất yếu để cả hai cùng khai thác điểm mạnh của đối tác và khắc phụ những điểm yếu. Trong khi ngân hàng do được pháp luật quản lý, cấp phép đầy đủ nên bị bó buộc thì fintech lại linh hoạt trong hoạt động và có khả năng ứng dụng công nghệ sáng tạo. Việc hợp tác này đã tạo ra các dịch vụ tài chính thuận lợi, hiệu quả, chi phí thấp cho khách hàng. Song, cũng không ít thách thức cho các cơ quan quản lý, nhất là vấn đề bảo mật thông tin ngân hàng và bảo mật thông tin khách hàng. 

Đến nay, dù các công ty fintech ít nhiều được tiếp cận thông tin của các ngân hàng khi triển khai hoạt động hợp tác nhưng vẫn chưa có quy định pháp lý trực tiếp điều chỉnh nghĩa vụ bảo mật thông tin của công ty fintech. “Việc thiếu hụt về quy định như hiện nay cũng dễ hiểu do các công ty fintech ngoại trừ các trung gian thanh toán vẫn chưa được quản lý bởi pháp luật chuyên ngành và cơ quan quản lý chuyên ngành mà vẫn đang hoạt động dưới đăng kí kinh doanh gồm các ngành nghề kinh doanh không có điều kiện”, ông Phạm Thanh Ngọc cho biết.

Để khắc phục hạn chế, hiện Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm sandbox đối với hoạt động fintech; trong đó, có điều kiện về xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin và bảo mật thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đang xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định về xử lý dữ liệu cá nhân; biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý vi phạm về dữ liệu cá nhân, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Cho đến khi các nghị định này được ban hành, các tổ chức tín dụng cần chủ động giám sát, ràng buộc các công ty fintech trong việc sử dụng đúng mục đích thông tin ngân hàng. Đồng thời, phải có chính sách bảo mật nội bộ phù hợp. Các doanh nghiệp fintech cũng cần quan tâm đến khía cạnh bảo mật khi đưa ra ý tưởng và triển khai hợp tác cung ứng các dịch vụ trên thực tế”, ông Lê Thanh Ngọc khuyến nghị./. 

H. Chung

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.