|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt: Mới chỉ có các biện pháp hỗ trợ từ 'bên ngoài' mà chưa có biện pháp 'tự thân', dễ sinh tâm lý ỷ lại

11:01 | 05/06/2023
Chia sẻ
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Các TCTD mới chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ “bên ngoài” (chủ yếu từ NHNN) trong trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt mà chưa có những biện pháp “tự thân” của TCTD, điều này dễ sinh tâm lý ỷ lại.

Sáng 5/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trình bày tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thống đốc nêu rõ, dự thảo Luật về cơ bản kế thừa các quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) hiện hành, có điều chỉnh một số nội dung như sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng luật hóa các quy định mang tính nguyên tắc áp dụng chung cho các ngân hàng chính sách…

Theo Thống đốc, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Các TCTD hiện hành và bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ.

Đặc biệt, dự thảo luật đã đưa ra các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể TCTD.

"Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội). 

Quy định cụ thể biện pháp khi có sự cố rút tiền hàng loạt

Cụ thể, Điều 144 dự thảo luật đã quy định 6 trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm, gồm: Không duy trì được tỉ lệ khả năng chi trả như quy định tại luật này trong thời gian 3 tháng liên tục; không duy trì được tỉ lệ an toàn vốn quy định tại luật này trong thời gian 6 tháng liên tục;

Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 20% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của NHNN; Có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN; Bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của NHNN.

Để xử lý tình huống này, Điều 148 quy định các biện pháp xử lý trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.

Cụ thể, TCTD bị rút tiền hàng loạt quy định tại điểm e khoản 1 Điều 144 được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ, gồm: Tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt không bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm thiếu dự trữ bắt buộc và không tuân thủ tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định trong giai đoạn bị rút tiền hàng loạt;

NHNN xem xét, quyết định thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh khoản riêng đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt: Mua giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng trên nghiệp vụ thị trường mở; Thực hiện các giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng; Tái cấp vốn với tổ chức tín dụng.

Vay đặc biệt NHNN, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức tín dụng khác; Ngân hàng Nhà nước quyết định việc ngừng tạm thời giao dịch tại tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.

Dễ sinh tâm lý ỷ lại vào NHNN

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) của Uỷ ban Kinh tế lại cho rằng, các biện pháp nêu tại Điều 148 của dự thảo Luật chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ “bên ngoài” (chủ yếu từ NHNN) mà chưa có những biện pháp “tự thân” của TCTD để nhanh chóng khắc phục tình trạng rút tiền hàng loạt (như vấn đề chuẩn bị tiền mặt, xử lý truyền thông, phối hợp cơ quan chức năng, bảo đảm ổn định trật tự, an toàn tại điểm giao dịch... và sau đó là củng cố quản trị, điều hành, năng lực tài chính của TCTD để ổn định lại hoạt động).

Mặt khác, đi kèm với hỗ trợ từ phía NHNN là quy định về việc được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với khoản phải thu không thu hồi được phát sinh từ các biện pháp hỗ trợ TCTD có thể dẫn đến tâm lý ỷ lại của TCTD, làm hạn chế động lực phải khắc phục ngay khó khăn trước mắt cũng như có những giải pháp ổn định trong lâu dài của TCTD.

Báo cáo cho hay, có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ mối liên hệ, sự tương quan giữa biện pháp can thiệp trong trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt (Điều 148) với các biện pháp can thiệp sớm (Điều 145) vì trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt là một trong các trường hợp áp dụng biện pháp can thiệp sớm nhưng hiện đang quy định hai biện pháp riêng.

Ủy ban Kinh tế thấy rằng sự cố rút tiền hàng loạt đòi hỏi phải xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, khác với các trường hợp TCTD yếu kém qua theo dõi phải được can thiệp.

Do vậy, đề nghị rà soát lại các quy định có liên quan đến các biện pháp can thiệp sớm và biện pháp TCTD bị rút tiền hàng loạt; nghiên cứu quy định cụ thể hơn tại dự thảo Luật các biện pháp can thiệp trong trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt, bao gồm các biện pháp từ chính TCTD và từ phía NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước; bảo đảm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên cũng như các biện pháp hiệu quả, phù hợp.

Có ý kiến cho rằng về mặt kỹ thuật, việc chỉ quy định 01 Điều 148 tại Mục 2 là không hợp lý, đề nghị nghiên cứu bảo đảm chặt chẽ, logic và đầy đủ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An