Ngăn chặn tour du lịch giá rẻ không đảm bảo chất lượng ở Quảng Ninh
Du khách Trung Quốc. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
70% khách du lịch Trung Quốc vào Quảng Ninh sử dụng dịch vụ chất lượng thấp, với giá tour không quá 2 triệu/người cho một chuyến du lịch kéo dài 4 ngày, 3 đêm.
Điều này không chỉ làm méo mó hình ảnh du lịch Quảng Ninh trong mắt du khách quốc tế, mà còn làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh du lịch.
Hiện có nhiều lỗ hổng, bất cập trong công tác quản lý mô hình tour du lịch giá rẻ này.
Khách về rồi mới khiếu nại
Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vừa có thông tin về việc khiếu nại của khách Trung Quốc với du lịch Việt Nam. Cụ thể từ tháng 1 đến 21/5/2019, có 173 khiếu nại, tố cáo về du lịch Việt Nam, trong đó khiếu nại về vấn đề mua sắm là 90 vụ; thay đổi lịch trình tour du lịch là 25 vụ; dịch vụ chưa đạt chuẩn là 23 vụ; hủy bỏ và thay đổi hợp đồng chiếm 8 vụ...
Trong số 90 vụ khiếu nại về vấn đề mua sắm, du khách Trung Quốc đòi bồi thường thiệt hại hơn 935.000 nhân dân tệ. Sản phẩm mua của khách du lịch chủ yếu gồm gối đệm cao su, dược liệu, ngọc, thuốc lá, đồng hồ, ví da...
Các hướng dẫn viên và chủ cửa hàng cấu kết với nhau, lừa đảo, thậm chí dùng thủ đoạn cưỡng ép lừa khách mua hàng giả mạo. Sau khi phát hiện ra, khách đòi trả lại hàng nhưng công ty lữ hành và chủ cửa hàng không chịu nhận lại hàng hoặc yêu cầu khách phải nộp phí hoàn trả hàng.
Một số khách du lịch phản ánh thủ đoạn lừa đảo là nơi mua sản phẩm ở Việt Nam nhưng nơi giao hàng lại ở Trung Quốc; hàng chất lượng kém, không biết xuất xứ, không có báo cáo kiểm tra đo lường, biên lai hải quan...
Thất thoát nguồn thu ngân sách
Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Lê Minh Tân cho rằng có nhiều nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lưu niệm ở Quảng Ninh đều do người Trung Quốc đứng sau.
Thực tế hiện nay, một số chủ cửa hàng cấu kết trực tiếp với các công ty lữ hành hai bên, qua đó đưa ra các điều kiện để các công ty lữ hành đưa khách đến các điểm mua hàng với mức hoa hồng và "tiền đầu khách" trái quy định.
Số tiền được cửa hàng chi trả, công ty lữ hành bù đắp vào chi phí thực tế cho khách, thu nhập của công ty và hướng dẫn viên.
Một số cửa hàng giao dịch bằng ngoại tệ trái phép, bán hàng không xuất hóa đơn tài chính; sử dụng các máy thanh toán tiền cầm tay (POS) có nguồn gốc nước ngoài, không qua hệ thống thanh toán của ngân hàng Việt Nam theo quy định để thanh toán tiền mua hàng hóa với khách du lịch Trung Quốc.
Năm 2018, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện tại kiốt A114 thuộc Trung tâm du lịch Bãi Cháy (thành phố Hạ Long) có 3 máy POS. Các máy này đều được các đối tượng đem từ Trung Quốc vào Việt Nam để thực hiện các hành vi giao dịch, thanh toán "chui."
Các tờ phơi, hóa đơn thanh toán qua máy POS ở hiện trường cho thấy các đối tượng đã thực hiện trót lọt việc chuyển hơn 200.000 nhân dân tệ (tương đương 700 triệu đồng) ra nước ngoài, không qua bất cứ một hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của Việt Nam.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh, những chiếc máy POS đều khá nhỏ gọn, dễ dàng cất giấu; chỉ cần gắn thêm một sim 3G là có thể hoạt động được.
Hơn nữa, các máy này có thể thực hiện giao dịch rất nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, thậm chí trên các phương tiện đang di chuyển. Nếu không bắt quả tang khi đang thực hiện giao dịch qua POS "chui" thì lực lượng chức năng không thể xử lý hành vi vi phạm.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Lê Minh Tân đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cho phép đơn vị có chức năng Việt Nam hợp tác với Alipay (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán tiền qua thẻ tín dụng của Trung Quốc) trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán cho khách, đồng thời có giải pháp quản lý về việc chuyển tiền, thanh toán của các công ty lữ hành không qua hệ thống ngân hàng.
Hiện tượng các nhà hàng kinh doanh ăn uống, khách sạn (nhóm 1, 2 sao), nhà nghỉ không xuất hóa đơn cho đơn vị lữ hành hay không thực hiện nghiêm quy định khai báo tạm trú diễn ra khá phổ biến, qua đó có biểu hiện hành vi trốn thuế.
Có khách sạn, nhà nghỉ xuất hóa đơn gộp của nhiều đoàn khách trong thời gian 1-2 tháng, thậm chí cả năm; một số cơ sở lưu trú sử dụng hóa đơn không đúng theo quy định (loại hóa đơn bán lẻ tự in)...
Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết Tổng cục Du lịch đã nhiều lần làm việc với các địa phương có xuất hiện các tour du lịch "0 đồng," song vẫn chưa giải quyết triệt để được bởi các công ty lữ hành đang "lách luật."
Theo ông Thái, các tour du lịch giá rẻ tồn tại là do sự tiếp tay của những người Việt kinh doanh bất hợp pháp nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết được vấn đề này, cần phải có sự phối hợp của nhiều ngành như du lịch, công an, thuế, quản lý thị trường và chính quyền địa phương...