Nên nới lỏng hay siết chặt trần tín dụng?
Trần hạn mức tín dụng là công cụ điều hành quan trọng, góp phần quản lý chất lượng tín dụng.
Tuy nhiên, chính sách này cũng dẫn đến tình trạng các ngân hàng thương mại cạn room tín dụng (hạn mức tăng trưởng tín dụng) trước thời hạn có thể khiến lãi suất cho vay cao hơn và khó hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngay từ đầu năm đã giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Việc giao hạn mức tăng trưởng tín dụng căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng ngân hàng thương mại.
Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) được cấp room năm nay 6,5 - 7,5%, riêng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được giao 10,5%.
Hạn mức của một số ngân hàng TMCP như: Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 8,5 - 9,5% và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) 10,5 - 12%,...
Tuy nhiên, nhờ sự phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản thuận lợi, tín dụng khởi sắc ngay từ những quý đầu năm.
Đến giữa tháng 6/2021, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 5,1%, cao hơn gấp đôi mức tăng cùng kỳ năm 2020, nhiều ngân hàng thương mại đã cạn room tín dụng.
Ngay từ tháng 4/2021, nhiều ngân hàng buộc phải hạn chế giải ngân vì đã tiệm cận hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao.
Do đó, mới đây Ngân hàng Nhà nước một lần nữa nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trước tác động bất lợi của đại dịch COVID-19.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại là hoàn toàn hợp lý trong giai đoạn này.
Việc nới room tín dụng sẽ tạo thêm dư địa cho ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau những tác động nặng nề từ dịch COVID-19.
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên bỏ chính sách áp trần hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để họ tự quyết định theo nhu cầu cung – cầu trên thị trường. Việc cấp hạn mức tín dụng là một công cụ mang tính hành chính.
Ngân hàng Nhà nước không cần dùng trần tín dụng mà có thể dùng công cụ khác để kiểm soát lạm phát và lưu lượng tiền tệ như: chỉ số dư nợ tín dụng/vốn huy động (LTD), chỉ số thanh khoản, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, hệ số an toàn vốn...
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nên bỏ trần tín dụng để các ngân hàng tự quyết định kế hoạch kinh doanh của mình.
Để kiểm soát tăng trưởng tín dụng cũng như thanh khoản của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có thể dùng các công cụ như: tỷ lệ về khả năng chi trả, tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng tiền gửi (LDR),… chứ không phải chỉ có room tín dụng.
Đồng thời, trong thời điểm dịch COVID-19 thay vì "siết" tín dụng thì cần phải “mở” để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước tăng cường chặt chẽ hơn các chuẩn mực trong quản lý rủi ro của ngân hàng, giám sát hoạt động các ngân hàng thương mại đến thời điểm thích hợp. Từ đó, có thể cho phép các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong tăng trưởng tín dụng.
Đại diện lãnh đạo một ngân hàng thương mại khác nhận định, chủ động mục tiêu tăng trưởng tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng và kế hoạch lợi nhuận ngân hàng là mong muốn của nhiều ngân hàng hiện nay.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát trần tín dụng cũng là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo kiểm soát dòng vốn trong nền kinh tế, tránh tập trung quá nhiều vào các kênh đầu tư rủi ro như: bất động sản, chứng khoán...
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước điều hành khá hài hòa các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với room tín dụng được đưa ra cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm và có thể điều chỉnh phù hợp với thực tế tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng của từng ngân hàng sau đó.
Bên cạnh đó, ngoài trần tín dụng, Ngân hàng Nhà nước còn có rất nhiều công cụ, các văn bản quy định để định hướng mục tiêu tăng trưởng, quản trị rủi ro tài sản... và dựa vào đó các ngân hàng thương mại phải điều chỉnh, phân bổ nguồn vốn hợp lý.
"Vì vậy trong tương lai, khi Ngân hàng Nhà nước đảm bảo được việc các ngân hàng thương mại phát triển theo đúng đường hướng, chính sách của Chính phủ, hoạt động minh bạch, rõ ràng thì tôi hy vọng có thể cho phép các ngân hàng thương mại tự chủ động mục tiêu tăng trưởng tín dụng", vị lãnh đạo này cho hay.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ không bỏ trần hạn mức tín dụng đối với từng ngân hàng thương mại.
Theo Phó thống đốc, mục tiêu quan trọng hơn của chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô. Với quy mô tín dụng đang chiếm trên 140% GDP hiện nay, tức là nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Do vậy, nếu bỏ trần hạn mức sẽ gây ra nhiều bất ổn.
Tại Việt Nam, vốn tín dụng ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế là chủ yếu, trong khi thị trường cung ứng vốn ở các nước khác từ nhiều thị trường như chứng khoán và trái phiếu. Nếu không quản lý tốt, hài hòa, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt, không kiểm soát được thì nợ xấu nguy cơ tăng cao.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, không quản lý tốt việc tăng trưởng này một cách hài hòa, hợp lý cũng tạo ra sự bất ổn ngay tại các ngân hàng thương mại.
Đơn cử như tăng trưởng tín dụng ở một ngân hàng trong năm lên đến vài chục phần trăm và ồ ạt đưa tín dụng ra thị trường thì chất lượng không đảm bảo. Như vậy, nợ xấu của nền kinh tế sẽ tăng lên trong thời gian ngắn và những bất ổn của kinh tế vĩ mô sớm xuất hiện.
Tuy nhiên, trong tương lai Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét bỏ cơ chế trần tín dụng như hiện nay khi thị trường cung ứng vốn không phụ thuộc nhiều vào tín dụng.