Nền kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi cao hơn dự kiến
Ngày 25/5, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã bế mạc, đề cập đến các xu hướng kinh tế toàn cầu, việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine và ngân hàng phát triển đa phương.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, sau hội nghị kéo dài 3 ngày tại thành phố Stresa, miền Bắc Italy, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 lưu ý rằng nền kinh tế toàn cầu cho thấy “khả năng phục hồi cao hơn dự kiến” trong bối cảnh có nhiều thách thức.
Thông cáo của Hội nghị G7 cho biết “thị trường lao động vẫn tương đối mạnh mẽ và lạm phát tiếp tục ở mức vừa phải, mặc dù lạm phát cơ bản đang tồn tại dai dẳng, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ”.
Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử và triển vọng kinh tế toàn cầu "có nguy cơ gặp những rủi ro trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang và giá năng lượng biến động.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 cũng cho biết trong thông cáo chung rằng nhóm này thống nhất trong mục tiêu hỗ trợ Ukraine và thực hiện điều đó bằng cách tối đa hóa lợi nhuận tiềm năng từ số tài sản của Nga bị đóng băng ở châu Âu, theo cách nỗ lực tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Italy, Giancarlo Giorgetti cho biết, các bên đã đạt được những bước tiến, nhưng chưa hoàn thiện do các vấn đề kỹ thuật và pháp lý.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy, Fabio Panetta giải thích rằng G7 cần đánh giá các ưu và nhược điểm, bởi vì vấn đề này có thể tác động đến hoạt động của hệ thống tiền tệ quốc tế. Quyết định cuối cùng về vấn đề này sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7, sẽ diễn ra vào tháng Sáu tới tại vùng Apulia, miền Nam Italy, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch G7.
Nhóm G7 bao gồm Canada, Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Vương quốc Anh và Nhật Bản.