|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân trong nước bơm gần 1 tỷ USD gom cổ phiếu trước khi VN-Index vượt 1.200 điểm

11:58 | 01/04/2021
Chia sẻ
Theo thống kê đến ngày 30/3, giá trị vào ròng của nhóm NĐT trong nước là 21.326 tỷ đồng (915,3 triệu USD). Đây là lực đỡ chính của thị trường khi những tổ chức trong và ngoài nước liên tục bán ra.

NĐT cá nhân mua ròng 3 tháng liên tiếp

Áp lực xả tại mốc vùng 1.200 điểm của nhà đầu tư nước ngoài khiến VN-Index gặp khó trước mốc kháng cực lịch sử này. Bất chấp xu hướng khởi sắc của thị trường, NĐT nước ngoài đánh dấu tháng 3 bán ròng mạnh nhất trên TTCK Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Theo thống kê, khối ngoại xả 11.454 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam trong tháng.

Dữ liệu từ FiinPro, trong tháng 3 (1 – 30/3), tổ chức nước ngoài đã rút ròng 11.324 tỷ đồng khỏi TTCK Việt Nam. Số tiền rút ra trong tháng 3 gấp gần 4 lần giá trị rút ròng 2 tháng đầu năm. Tổng cộng khối này bán ròng 14.162 tỷ đồng trong quý đầu năm nay.

Không nằm ngoái xu hướng, tổ chức trong nước bán ròng trong cả 3 tháng đầu năm với tổng giá trị 6.933 tỷ đồng. Riêng tháng 3 (tính đến 30/3), khối này rút ròng 3.420 tỷ đồng.

ww - Ảnh 1.

Giao dịch của nhóm nhà đầu tư trong quý I/2021. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp từ FiinPro.

Trạng thái đối lập, các nhà đầu tư cá nhân liên tục bơm tiền vào thị trường, trở thành lực cầu đối ứng động thái rút ròng của nhà đầu tư tổ chức. 

Theo thống kê từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng 14.949 tỷ đồng kể từ ngày 1/3 đến 30/3. Lũy kế trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị vào ròng của nhóm NĐT trong nước là 21.326 tỷ đồng (915,3 triệu USD).

NĐT cá nhân trong nước gom cổ phiếu nào mạnh nhất?

Hoạt động mua ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước tập trung vào các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Thống kê cho thấy có 5 cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân trong nước gom hơn 1.000 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm là VNM, HPG, CTG, POW và HNG. 

Ba tháng đầu năm, NĐT cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất mã VNM của Vinamilk với 4.148 tỷ đồng. Tại nhóm vật liệu xây dựng, mã HPG dẫn đầu với 3.899 tỷ đồng. Theo đó, NĐT trong nước đã hấp thụ hết lực bán ròng của NĐT tổ chức nước ngoài với hai mã HPG (4.083 tỷ đồng) và VNM (4.050 tỷ đồng).

Tại nhóm ngân hàng, mã CTG của VietinBank được nhóm NĐT trong nước gom vào mạnh nhất 2.623 tỷ đồng trong khi các tổ chức nước ngoài xả 2.631 tỷ đồng. Những mã ngân hàng khác cũng được nhóm NĐT trong nước mua ròng có VCB (962 tỷ đồng), MBB (885 tỷ đồng) và BID (854 tỷ đồng).

Ngoài ra, Top10 cổ phiếu được NĐT cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất còn có các mã HNG, SSI và VND. 

ww - Ảnh 2.

Top10 cổ phiếu được NĐT cá nhân trong nước mua/bán ròng nhiều nhất trong quý I/2021. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp từ FiinPro.

Tại chiều bán, NĐT cá nhân trong nước xả mạnh nhất hai cổ phiếu VIC và MWG với giá trị 1.799 tỷ đồng và 1.473 tỷ đồng. Đây cũng là hai cổ phiếu duy nhất bị bán ròng trên 1.000 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm nay.

Trong quý đầu năm, với sự khởi sắc của nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình và lớn, NĐT cá nhân trong nước tranh thủ "chốt lời" nhiều mã như CVT, KBC, PDR, GMD và DPM. 

Nhóm bị bán ròng mạnh còn có NVL và ACB. Theo ghi nhận, ACB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất nằm trong Top10 mã bị NĐT cá nhân trong nước bán ròng mạnh trong quý I.

Trở lại câu chuyện "gom hàng" trong nhiều tháng liên tiếp của nhà đầu tư nội, động thái mua ròng của nhóm này là hệ quả của xu hướng ồ ạt mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán trong những tháng gần đây. 

Thống kê của VSD đến cuối tháng 2, kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam tạo đáy vào cuối tháng 3/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đó thêm 511.746 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới.

Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiết kiệm đang ở mức thấp cũng là yếu tố kích thích sự đầu tư của NĐT cá nhân sang các kênh khác như chứng khoán, bất động sản.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng sự tham gia mạnh mẽ của những nhà đầu tư cá nhân có thể dẫn đến rủi ro biến động mạnh của thị trường tại cả nhiều tăng và chiều giảm. Đơn cử, khi thị trường biến động tiêu cực, nhóm này có thể hành động thái quá, dẫn đến khả năng giảm mạnh hơn. Cùng với đó, việc thị trường tăng nóng vượt xa mức tăng trưởng của các doanh nghiệp có thể dẫn đến nguy cơ bong bóng.

Lợi Hoàng