|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân đẩy mạnh mua ròng gần 3.800 tỷ đồng khi VN-Index ngắt chuỗi tăng điểm, tâm điểm ACB

09:36 | 29/05/2023
Chia sẻ
Trong tuần 22 – 26/5, NĐT cá nhân mua ròng 3.796 tỷ đồng trên HOSE, riêng khớp lệnh gom 3.540 tỷ đồng.

VN-Index có được phiên giao dịch đầu tuần tích cực với sắc xanh lan tỏa ở tất cả các nhóm ngành giúp thị trường tiệm cận khu vực 1.070. Tuy nhiên áp lực bán gia tăng dần ở hai phiên sau đó, nhất là sự điều chỉnh của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc rổ VN30 đã gây áp lực lên chỉ số chung khiến cho thị trường không thể nối dài mạch tăng điểm.

Kết tuần, VN Index đóng cửa tại 1.063,76, giảm 3,31 điểm, tương đương mất 0,31% so với tuần trước.

Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên cả 3 sàn đạt 12.819 tỷ đồng, giảm 1,6% so với tuần trước. Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư chỉ có sự thay đổi ở khối tự doanh khi họ trở lại bán ròng khớp lệnh gần 79 tỷ đồng.

Trong tuần vừa qua, thị trường không có nhiều sự thay đổi quá tích cực về mặt điểm số, sự phân hóa được thể hiện khá rõ ràng với việc lực cầu luân phiên tìm đến các nhóm ngành khác nhau để duy trì điểm số trong vùng điểm từ 1.060 – 1.070. Trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí và xây dựng giao dịch tích cực nhất với mức tăng khoảng 3%.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Dòng tiền cá nhân tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng

Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch của NĐT cá nhân nghiêng hoàn toàn về bên mua với 17/18 nhóm ngành được gom ròng, duy nhất nhóm truyền thông bị rút ròng nhẹ hơn 1 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng được mua ròng gần 1.200 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần. Theo thống kê của FiinTrade, nhóm cổ phiếu ngân hàng có tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng nhẹ lên 16,94% toàn thị trường, chỉ số giá giảm 1,17 % cho thấy có sự phân hóa trong nhóm này.  

Các mã giao dịch sôi động nhất là STB, SHB, ACB, LPB, VPB, MBB, TCB, VIB, CTG, EIB, trong đó tăng mạnh nhất là EIB với tỷ lệ 2,62%.

Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm ngân hàng giảm trong tuần, chỉ số giá giảm cho thấy dù có lực bán ra nhưng không mạnh. Chỉ số dòng tiền của nhóm ngân hàng giảm trong tuần tăng nhẹ cho thấy dòng tiền vào nhóm này nhỉnh hơn thị trường chung.

Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng hàng trăm tỷ đồng các đại diện thuộc nhóm thực phẩm & đồ uống (599 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (504 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (347 tỷ đồng), hóa chất (241 tỷ đồng), bất động sản (179 tỷ đồng), bán lẻ (129 tỷ đồng), ...

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, ACB được các cá nhân trong nước đẩy mạnh giải ngân với giá trị ròng hơn 767 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của tổ chức trong nước.

Lực mua các cá nhân cũng tìm đến VNM của Vinamilk với giá trị 368 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như HPG (333 tỷ đồng), VND (319 tỷ đồng), NVL (183 tỷ đồng), STB (153 tỷ đồng), HSG (148 tỷ đồng), DPM (135 tỷ đồng), KBC (131 tỷ đồng), CTG (128 tỷ đồng), …

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở VIC với 138 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất bị rút ròng trên trăm tỷ đồng trong tuần vừa qua.

Kế tiếp, cá nhân trong nước cũng bán ròng 93 tỷ đồng mã VRE. Cùng chiều, các cá nhân rút ròng dưới 100 tỷ đồng các cổ phiếu như VHM, NT2, POW, FRT, VIB, HHV, CTI, EIB.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức đẩy mạnh bán ròng gần 1.540 tỷ đồng, tâm điểm ACB, STB

Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội đẩy mạnh bán ròng 1.537 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 1.219 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 16/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm ngân hàng với 857 tỷ đồng, theo sau là nhóm cổ phiếu thực phẩm & đồ uống (82 tỷ đồng), hóa chất (80 tỷ đồng)

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu dịch vụ tài chính với quy mô vào ròng là 105 tỷ đồng. Cổ phiếu ngành y tế cũng thu hút dòng tiền với giá trị không đáng kể.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước không có nhiều điểm nhấn khi không có mã nào được gom ròng trên 100 tỷ đồng.

Cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 69,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức nội cũng mua ròng 60 tỷ đồng mã VIC. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM (45,8 tỷ đồng), CTG (43,5 tỷ đồng), MSN (31,4 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 759 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cổ phiếu STB của cũng bị bán ròng 101,1 tỷ đồng khi mã này có nhịp giảm 2,3% về 27.200 đồng/cp…

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi