NĐT cá nhân bán ròng hơn 2.500 tỷ đồng tuần VN-Index duy trì đà tăng, tâm điểm HPG, VPB, HDB
VN-Index đóng cửa tuần thứ 34 của năm 2022 với 2 phiên giảm, 3 phiên tăng, có thêm 6,85 điểm tương đương 0,54% đóng cửa tại 1.269,18 điểm. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 15.658 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5% so với tuần trước đó, tăng 25,82% so với trung bình 5 tuần nhưng giảm 1,2% so với trung bình 20 tuần trước.
Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, công nghệ thông tin, truyền thông, trong khi giảm ở nhóm chứng khoán, hàng và dịch vụ công nghiệp, hóa chất. Dòng tiền tăng mạnh nhất vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần có phiên đáo hạn phái sinh, nhưng giảm nhẹ vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Liên quan đến giao dịch của nhà đầu tư cá nhân, họ duy trì bán ròng sang tuần thứ 5 liên tiếp. Về giá trị cụ thể, cá nhân trong nước đẩy mạnh bán ròng 2.513 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 2.458 tỷ đồng.
Dòng tiền tập trung gom cổ phiếu hóa chất, song rút mạnh khỏi nhóm ngân hàng, thép
Thống kê giao dịch theo nhóm ngành, lực cầu gia tăng mạnh mẽ đưa hóa chất trở lại vị trí dẫn dắt dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Theo đó, nhóm này được mua ròng gần 121 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó bị rút ròng gần 64 tỷ đồng.
Bên cạnh nhóm tài nguyên cơ bản, giao dịch mua ròng tập trung tại nhóm cổ phiếu hàng cá nhân & gia dụng và bất động sản với giá trị vào ròng lần lượt là 82 tỷ và 78 tỷ đồng.
Cùng chiều, dòng tiền cá nhân còn tìm đến các nhóm du lịch và giải trí, bảo hiểm, ô tô & phụ tùng với giá trị thấp hơn.
Chiều ngược lại, các cá nhân bán ròng mạnh nhất 1.060 tỷ đồng ở nhóm ngân hàng, theo sau xả ròng lần lượt một số nhóm như tài nguyên cơ bản (568 tỷ đồng) và thực phẩm & đồ uống (453 tỷ đồng).
Theo thống kê của FiinTrade, nhóm cổ phiếu ngân hàng có tuần giao dịch sôi động hơn với tỷ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 14,12% toàn thị trường, chỉ số giá ngành tăng 0,27%. Nhóm ngân hàng tuy phục hồi trong tuần nhưng vẫn giảm 12,84% từ đầu năm đến nay.
Dòng tiền tập trung vào các mã VPB, SHB, STB, MBB, SSB, TCB, HDB, CTG, VCB, KLB trong đó có 5/10 mã tăng điểm cho thấy nhóm này có sự phân hóa mạnh. Trong tuần, Top5 mã tăng điểm mạnh nhất ngành là VPB, SHB, HDB, BAB, MSB, trong khi đó nhóm giảm mạnh nhất là NVB, KLB, STB, VAB, CTG.
Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm ngân hàng tăng trong tuần, chỉ số giá trong tuần tăng nhẹ, dòng tiền luân chuyển giữa các cổ phiếu trong ngành. Trong tuần các ngân hàng HDB, MBB, ACB, VPB lần lượt tăng mạnh dẫn dắt thị trường trong các phiên khác nhau.
Trong khi chỉ số dòng tiền vào nhóm cổ phiếu vua trong mối tương quan với thị trường đi ngang ở vùng cao 1 năm cho thấy dòng tiền vào nhóm này mạnh hơn thị trường chung.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng lần lượt 183 tỷ và 130 tỷ đồng ở nhóm dịch vụ tài chính và thực phẩm & đồ uống, trước khi rút ròng nhẹ hơn trăm tỷ đồng vào các ngành bán lẻ (124 tỷ đồng), dầu khí (119 tỷ đồng), công nghệ thông tin (117 tỷ đồng).
NĐT cá nhân tập trung xả HPG cùng loạt cổ phiếu ngân hàng
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất lại được ghi nhận tại ông lớn ngành thép HPG với 494,1 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của tổ chức nội và NĐT nước ngoài.
Cùng chiều, mã VPB của VPBank cũng chịu lực xả ròng gần 347,6 tỷ đồng và được hấp thụ bởi các nhóm nhà đầu tư còn lại. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, VPBank sẽ tăng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu.
Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Với phương án này số lượng cổ phiếu phát hành tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu.
Trở lại với giao dịch của các cá nhân trong nước, loạt mã ngân hàng cũng nằm trong Top bán ròng, bao gồm HDB (266,5 tỷ đồng), ACB (101,5 tỷ đồng) và MBB (92,9 tỷ đồng).
Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của VNM (232 tỷ đồng), MSN (209,7 tỷ đồng), PVD (180,8 tỷ đồng), NVL (154,1 tỷ đồng) và FPT (130,1 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng trên 278,3 tỷ đồng cổ phiếu KBC, quy mô rót vốn gấp gần 6,8 lần tuần trước đó.
Tương tự, hoạt động giải ngân cũng được chứng kiến ở các mã HCM và DGC với giá trị lần lượt là 108,9 tỷ và 92,6 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng vốn cá nhân gom nhẹ hơn các cổ phiếu như VHM (88,4 tỷ đồng, TLG (69,1 tỷ đồng), DXG (63,3 tỷ đồng), PLX (61,6 tỷ đồng), VSC (55,8 tỷ đồng) và VJC (43,3 tỷ đồng).
Ngoài ra, SHB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất nằm trong danh mục xuống tiền của các cá nhân trong nước.