|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NDA - Nguyên tắc tối quan trọng của thương vụ bán vốn ngân hàng khủng, khi nào bên nhận thông tin được lên tiếng?

16:48 | 12/11/2019
Chia sẻ
Trong những thương vụ bán vốn khủng và M&A trên thị trường chứng khoán, việc bảo mật thông tin là rất cần thiết, quyết định sự thành công và sống còn của thương vụ. Để tránh những rủi ro không kiểm soát được, Thỏa thuận bảo mật và không tiết lộ thông tin (Non-disclosure agreement - NDA) luôn luôn được kí kết giữa các bên.
A132

Đồ họa: Đức Việt

Thỏa thuận bảo mật và không tiết lộ thông tin (Non-disclosure agreement - NDA) – nguyên tắc tối quan trọng của "người đưa đò"

Trong hai năm gần đây, câu chuyện bán vốn của các ngân hàng tại Việt Nam được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm như thương vụ Vietcombank bán vốn cho Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) và Mizuho Bank. Giá trị của thương vụ này khoảng 270 triệu USD, tương đương 6.200 tỉ đồng.

Gần đây nhất là thương vụ BIDV phát hành hơn 603 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ sau chào bán cho đối tác Hàn Quốc là Ngân hàng KEB Hana Bank với giá trị 20.300 tỉ đồng.

Trong hai thương vụ nghìn tỉ đồng này, vai trò của người tư vấn là rất quan trọng. Họ là người kết nối bên mua và bên bán, đồng thời là người đưa ra các phương án tối ưu cho cả hai bên, khi thực hiện những thương này.

Đổi lại, họ sẽ được nhận phí môi giới/tư vấn cao, lên đến 1-3 % giá trị thương vụ. Vậy ai là người "người đưa đò" trong các thương vụ tỉ đô trên - câu hỏi khiến không ít nhà đầu tư tò mò.

Để những thương vụ bán vốn thành công, những tổ chức tư vấn tài chính như ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán hoặc công ty tư vấn đóng vai trò quan trọng.

Điển hình, thương vụ bán vốn của Vietcombank, Credit Suisse là nhà môi giới và tư vấn tài chính trong giao dịch này. Đây là một là tổ chức quen thuộc với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khoán Việt Nam với các thương vụ IPO của Vinhomes, Vincom Retail. Mối lương duyên của Credit Suisse bắt đầu kể từ khi đơn vị này cổ phần hóa cho Vietcombank.

Tuy nhiên, chỉ đến khi cậu chuyện ngã ngũ về giá bán và giá trị giao dịch, nhà đầu tư trên thị trường mới biết đến Credit Suisse với vai trò của "người đưa đò".

Thậm chí, trong thương vụ bán cổ phần của BIDV cho đối tác KEB Hana Bank, "người đưa đò" vẫn trong im lặng đến những phút cuối cùng.

Điều này cho thấy việc bảo mật thông tin của những thương vụ bán vốn khủng là rất quan trọng. Chính vì lí do đó, trong những thương vụ, thỏa thuận bảo mật và không tiết lộ thông tin (Non-disclosure agreement - NDA) là một trong những nguyên tắc tối quan trọng mà các bên tham gia phải kí kết nhằm đảm bảo cho sự thành công của thương vụ.

A24

NDA thường được kí kết trong các thương vụ tư vấn bán vốn. Ảnh minh họa

Thỏa thuận bảo mật và không tiết lộ thông tin (Non-disclosure agreement - NDA) là gì?

Thông thường, khi bắt đầu cho những thương vụ tư vấn bán vốn hoặc M&A, một thỏa thuận bảo mật và không tiết lộ thông tin được kí kết giữa Bên nhận (đơn vị tư vấn, môi giới, thu xếp tài chính) và Bên sở hữu (đơn vị bán vốn).

Để thực hiện vai trò của mình, Bên nhận phải tiếp cận các thông tin có liên quan đến tình hình tài chính, kinh doanh, pháp lí của Bên sở hữu (quy trình Due Dilligence). Do đó, việc bảo mật những thông tin cho Bên sở hữu là rất cần thiết, đó là một trong những lí do vì sao NDA được kí kết.

Theo đó, các điều khoản sẽ quy định rõ ràng về giới hạn phạm vi của thông tin mật.

Lấy ví dụ một NDA thông thường, thông tin mật là tất cả thông tin do Bên sở hữu tiết lộ cho Bên nhận dưới hình thức lời nói, hình ảnh, văn bản hoặc phương tiện điện tử theo NDA, dù có hay không ghi dấu cụ thể là "Mật", bao gồm nhưng không bị giới hạn bởi tất cả thông tin liên quan đến các kế hoạch, sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, phân tích, dự án, quy trình, các hoạt động tiếp thị, nghiên cứu hay phát triển, mẫu hàng và tất cả thông tin kỹ thuật hay khoa học hay bí quyết của Bên sở hữu.

Khi NDA được kí kết, Bên nhận (đơn vị tư vấn, môi giới, thu xếp tài chính) đồng ý không tiết lộ Thông tin mật cho bất kỳ bên thứ ba nào mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Bên sở hữu, và không sử dụng Thông tin mật, ngoại trừ như được quy định cụ thể trong NDA, mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Bên sở hữu.

Bên nhận (đơn vị tư vấn, môi giới, thu xếp tài chính) chỉ có thể tiết lộ Thông tin mật cho các giám đốc, người quản lý, nhân viên, đại lý hoặc người đại diện, là những người cần thông tin mật để tiến hành các cuộc kiểm tra và thẩm tra được quy định theo NDA, với điều kiện là các đại diện đó chịu ràng buộc bởi các nghĩa vụ đối với Bên nhận không kém nghiêm ngặt hơn so với các điều khoản của NDA.

Cùng với đó, bên nhận (đơn vị tư vấn, môi giới, thu xếp tài chính) bảo đảm rằng các đại diện nhận biết đầy đủ về các nghĩa vụ của NDA. Khi có văn bản yêu cầu, Bên nhận sẽ cung cấp cho Bên sở hữu một danh sách đầy đủ gồm tên và chức danh của những người đại điện của mình, là những người đã được tiết lộ thông tin mật.

Không có lựa chọn về người được lên tiếng trước?

Tuy nhiên, NDA cũng đưa ra một số ngoại lệ về công bố thông tin, như:

Thứ nhất, thông tin mà vào thời điểm tiết lộ là thông tin đại chúng;

Thứ hai, thông tin mà sau khi Bên sở hữu tiết lộ, trở thành thông tin đại chúng mà không do vi phạm NDA.

Thứ ba, thông tin mà Bên nhận có thể chứng minh là thuộc sự sở hữu của mình trước khi Bên sở hữu tiết lộ, với điều kiện là thông tin đó đã có được mà không vi phạm nghĩa vụ bảo mật đối với Bên sở hữu.

Điều khoản ngoại lệ trên dẫn đến việc các tổ chức bán vốn thường được chọn là người lên tiếng cho những thương vụ hơn là các đơn vị tư vấn. Nếu nhà đầu tư theo dõi thương vụ bán vốn tại các ngân hàng trước đó sẽ nắm rất rõ được Vietcombank và BIDV là người "đánh tiếng" cho thương vụ khủng chứ không phải một công ty chứng khoán hoặc một đơn vị tư vấn nào khác.

NDA

NDA và đạo đức nghề nghiệp trong các thương vụ khủng trên TTCK. Ảnh minh họa

NDA và đạo đức nghề nghiệp trong các thương vụ khủng

Vậy, tại sao NDA quan trọng và cần phải tuân thủ nghiêm ngặt?

Theo chia sẻ từ một chuyên gia có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quĩ và IB, việc làm lộ các thông tin không chỉ liên quan đến đạo đức nghề nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thành công của "deal" bán vốn.

Đơn cử, khi thông tin bị lộ ra thị trường, nếu đó là tin tích cực, dẫn đến giá cổ phiếu tăng do việc gia nhập của dòng tiền đầu cơ đẩy giá hoặc đến từ sự kì vọng của nhà đầu tư hiện đang nắm giữ. Điều này có thể làm thiệt hại đến những nhà đầu tư đang tham gia trong thương vụ bán vốn vì phải họ mua giá cao hơn so với dự kiến.

Ở chiều ngược lại, nếu đó là tin xấu tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu, có thể dẫn đến việc đơn vị bán vốn là các doanh nghiệp (ở đây lấy ví dụ là VCB, BID và MBB) thiệt hại do không bán được giá tốt.

Đáng quan tâm hơn, trong trường hợp lộ thông tin dẫn đến việc cung cầu trên thị trường bị lệch đáng kể. Cơ quan quản lí thị trường có thể điều tra do có nghi ngờ đến việc thao túng giá cổ phiếu.

Điều này tác động không nhỏ đến thành công của thương vụ, dẫn đến deal bị đổ bể và "người đưa đò" có nguy cơ ảnh hưởng vĩnh viễn đến hình ảnh, uy tín của tất cả các bên tham gia thương vụ.

Những phân tích trên cho thấy hoạt động bảo mật thông tin cho những thương vụ khủng là chìa khóa cho sự thành công của các thương vụ bán vốn. Cùng với đó, đây là một trong những hoạt động nhằm đảm bảo hoạt động thị trường chứng khoán minh bạch.

Hoàng Linh, Thu Thủy