|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nâng tĩnh không cây cầu 117 tuổi, gỡ nút thắt đường thủy trọng yếu

17:25 | 13/03/2019
Chia sẻ
Bộ Giao thông vận tải vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét cân đối nguồn vốn 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 cho dự án nâng cấp tĩnh không cầu Đuống nhằm gỡ nút thắt trên tuyến vận tải thủy từ Quảng Ninh đến Việt Trì.
Nâng tĩnh không cây cầu 117 tuổi, gỡ nút thắt đường thủy trọng yếu - Ảnh 1.

Bộ Giao thông vận tải vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét cân đối nguồn vốn 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 cho dự án nâng cấp tĩnh không cầu Đuống nhằm gỡ nút thắt trên tuyến vận tải thủy từ Quảng Ninh đến Việt Trì.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tuyến hành lang đường thủy số 1 của đồng bằng Bắc Bộ dài 250 km bắt đầu từ Quảng Ninh tới cảng Việt Trì trên sông Lô đã được đầu tư, nâng cấp, luồng tàu cơ bản đạt cấp 2 cho tàu đến 800 tấn đi lại.

Đây là tuyến vận tải thủy quan trọng trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng container, các loại hàng rời như vật liệu xây dựng, phân bón... từ khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến tỉnh Phú Thọ cùng các tỉnh lân cận và ngược lại. Hiện nay, một số doanh nghiệp cảng đã khai thác thử nghiệm tuyến vận tải container kết nối tới cảng biến Hải Phòng, Quảng Ninh.

Tuy nhiên, trên hành lang này hiện có cầu Đuống (địa phận Hà Nội) được xây dựng từ năm 1902 (117 tuổi) với công năng kết hợp giao thông đường bộ của quốc lộ 1 cũ và tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng.

Cầu có tĩnh không thấp, chỉ đạt 2,8 m tại thời điểm nước cao; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26 m. Do vậy, chỉ tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan chở container sức chở 24 Teu (chỉ xếp được 2 lớp) mới lưu thông được qua cầu với điều kiện phải chờ nước xuống.

Trong thời gian chờ dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (đi qua cầu Đuống), để đáp ứng nhu cầu vận tải đường thủy nội địa, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban quản lý dự án Đường sắt nghiên cứu phương án nâng cao tĩnh không cầu Đuống gồm cả phương án tách riêng đường bộ, đường sắt theo quy hoạch.

Đến nay, sơ bộ kết quả nghiên cứu các phương án cho thấy bên cạnh việc Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án xây dựng cầu Đuống mới phù hợp với quy mô dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi trong tương lai, UBND TP. Hà Nội cần triển khai xây dựng đồng thời cầu đường bộ (tách riêng khỏi đường sắt) nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 1 cũ.

Nâng tĩnh không cây cầu 117 tuổi, gỡ nút thắt đường thủy trọng yếu - Ảnh 2.

Cầu Đuồng đang là nút thắt của tuyến đường thủy từ Quảng Ninh đến Việt Trì do tĩnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp - chụp từ bản đồ google

Nếu thực hiện phương án 1 (xây dựng cầu đường sắt mới tại vị trí cầu tương ứng với nghiên cứu của tuyến đường sắt đô thị số 1), sẽ xây dựng cầu đường sắt mới, tĩnh không cầu đảm bảo thông thuyền vừa đảm bảo phù hợp trắc dọc tuyến đường sắt trong tương lai nên phải đầu tư đồng bộ đường hai đầu cầu và một phần thuộc ga Yên Viên bắc.

Tổng mức đầu tư phương án này dự kiến khoảng 1.700 tỉ đồng. Đồng thời xây dựng cầu đường bộ mới cách cầu Đuống hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100 m theo quy hoạch. Tổng mức đầu tư cầu đường bộ dự kiến khoảng 850 tỉ đồng.

Phương án 2 là cải tạo cầu Đuống hiện có để có thể nâng-hạ nhịp đảm bảo tĩnh không đường thủy nội địa. Dự kiến sẽ cải tạo để có thể nâng-hạ nhịp thông thuyền đảm bảo chuẩn tắc luồng sông cấp 2 (tĩnh không 9,5 m, bề rộng 50 m), các nhịp còn lại giữ nguyên như hiện tại. Tổng mức đầu tư cầu đường sắt dự kiến khoảng 360 tỉ đồng.

Theo phương án này, đường sắt sẽ tổ chức lại phương án khai thác. Tuy nhiên, để tránh bị gián đoạn đường bộ trong thời gian nâng- hạ nhịp cũng cần xây dựng cầu đường bộ mới cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100 m theo quy hoạch với tổng mức đầu tư cầu đường bộ dự kiến khoảng 850 tỉ đồng.

Tuấn Phùng

ĐHĐCĐ bất thường Eximbank: Thông qua chuyển trụ sở, miễn nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Ngô Tony
Tại đại hội lần này, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ đã không thể thông qua việc sửa đổi điều lệ và chấm dứt đầu tư trụ sở chính ở TP HCM.