Năng suất heo TP HCM tăng gấp đôi nhờ ứng dụng khoa học
'Vỡ trận' giải cứu lợn | |
Cuộc giải cứu heo kỳ lạ của các ông lớn ngành thịt |
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng, ngành nông nghiệp là một trong những ngành chủ lực của TP và chắc chắn nông nghiệp ở TP không giống với các tỉnh thành khác.
“Tôi không mong muốn TP HCM thành vựa lúa như đồng bằng sông Cửu Long. TP sẽ đặt nhiều trọng tâm vào phát triển nông nghiệp, chủ yếu dựa vào thành tựu khoa học công nghệ. Tôi đề nghị giám đốc sở nói thêm về phối hợp trong các viện, trường tạo nên giống cây trồng vật nuôi ứng dụng khoa học công nghệ để có năng suất cao”, bà Tuyết phát biểu.
Cũng theo ĐB Tuyết, thời gian qua có sự việc giải cứu thịt heo và chuối, ĐB Tuyết cho rằng thịt heo hay chuối, không chỉ ở TP mà còn liên quan nhiều tỉnh thành khác. “Trong bài toán giải cứu, TP đóng vai trò gì? Qua hiện tượng này, TP rút ra bài học gì để ngăn ngừa, đừng để vấp phải những vấn đề như vậy?”, bà Tuyết chất vấn.
Trong khi đó, ĐB Trần Quang Thắng chất vấn về việc nông nghiệp TP hiện đi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, gắn với công nghiệp 4.0 như thế nào? Liên quan tới nông nghiệp, ĐB Cao Anh Minh cho rằng nông nghiệp TP vẫn dựa trên phát triển cá thể là chính, nhưng nếu phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì phải dựa trên mô hình doanh nghiệp.
"TP có chính sách gì? Kèm theo là việc khởi nghiệp trong lĩnh vực doanh nghiệp?", ĐB Thắng nêu vấn đề.
Giám đốc Sở NN&PTNT TP HCM Nguyễn Phước Trung. Ảnh: PLO. |
Trả lời những vấn đề được đại biểu đặt ra, ông Nguyễn Phước Trung cho biết kết quả về nông nghiệp tại thành phố đạt được những năm gần đây là rất khả quan.
Cụ thể, đến năm 2016 giá trị sản xuất nông nghiệp trên mỗi ha đạt 410 triệu đồng, vượt xa số kỳ vọng theo kế hoạch ban đầu là 300 triệu đồng/ha (tăng 2,7 lần so với năm 2010). Thành phố cố gắng phát triển nông nghiệp không ảnh hưởng đến môi trường, nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ lãi suất cho đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thực hành sản xuất tốt, cơ giới hóa…
Ông Trung cho biết, thế mạnh của nông nghiệp TP HCM là ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ, rau bình quân 250 tấn/ha/năm x 6.000 đồng/kg, thì một năm 1 ha rau cho 1,5 tỉ đồng. Đấy mới chỉ là đầu tư vừa phải. Chứ đầu tư cao, như nông nghiệp thủy canh thì phải đạt 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận có thể đạt 2 tỷ đồng/ha năm.
Bằng việc áp dụng công nghệ của Israel, vừa qua, hàng trăm bò sữa ở TP HCM cho 24,5 kg sữa/con/ngày, bằng với năng suất một số Công ty Sữa áp dụng công nghệ cao như Vinamilk, TH milk. Đặc biệt là TP HCM sử dụng bò nội địa chứ không phải bò ngoại như một số công ty khác. Nếu áp dụng công nghệ này cho TP HCM, thì sẽ tăng giá trị sữa bò của TP lên trung bình khoảng 500 tỷ đồng/năm.
Trả lời câu hỏi của bà Tuyết về giải cứu heo, ông Trung cho rằng năng suất heo của TP HCM đã tăng gấp đôi, thông qua việc phối hợp với các viện, trường, ứng dụng khoa học công nghệ.
"Số lượng heo vừa rồi, cả nước tăng rất cao, từ 27,5 triệu lên 30 triệu con. TP HCM cũng có tăng nhưng đàn heo thịt không tăng nhiều. Chúng tôi hướng cho bà con phát triển đàn heo nái. Tỷ lệ đàn heo nái của cả nước là 15,1%, trong khi của TP là 17,76%. Nghĩa là chúng ta đang đi theo hướng cung cấp giống vật nuôi cho người dân TP và các tỉnh”, ông Trung phát biểu.
Ông Trung cho rằng bài học rút ra là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Trong những năm vừa qua TP HCM có nhiều hội nghị kết nối hệ thống tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Tháng 11/2013, Sở Nông nghiệp đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp... Từ đó, TP đã ký kết được 48 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với hàng tỷ đồng.
Ông Trung cũng cho biết, TP đang làm việc với các quận huyện để mở rộng điểm bán lẻ thịt heo. Để nâng cao sức cạnh tranh và nâng cao khả năng tiêu thụ, thời gian qua TP đã làm việc với các doanh nghiệp để cung cấp cho các hợp tác xã giống cây trồng, phân bón... nhằm giảm giá thành sản phẩm và quản lý được thuốc sử dụng bảo vệ thực vật.