Năng lượng tái tạo đang “bùng nổ” nhanh chóng trên toàn cầu
Những số liệu thống kê trên được đưa ra trong một báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) về tình tình phát triển của năng lượng tái tạo (renewable energy). Bên cạnh đó, cơ quan này cũng dự báo rằng, 28% lượng điện năng của thế giới sẽ là năng lượng tái tạo trước năm 2021, tăng từ mức 23% hồi năm ngoái. Lần đầu tiên trong lịch sử, năng lượng tái tạo gồm gió, mặt trời,v.v ... đã vượt qua điện năng được sản xuất ra từ than đá trên toàn cầu.
Theo chuyên trang Climate Central, khoảng 70% trong tổng số các nguồn lực đầu tư cho sản xuất điện đã dần chuyển sang năng lượng tái tạo, cụ thể tổng số lên tới 288 tỷ USD vào năm ngoái.
Ông Paolo Franki, giám đốc bộ phận năng lượng tái tạo của IEA cho biết: "Năm 2015 là một năm kỷ lục về năng lượng tái tạo". Franki cũng nói thêm, công suất phát điện tái tạo vào năm ngoái đã đạt tới 153GW bằng tổng tất cả nhà máy điện tại Canada kết hợp lại.
Công suất phát điện tái tạo trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 42% trước năm 2021. Trước đây, IEA cũng từng dự báo năng lượng tái tạo có thể phát triển khoảng 36,5% trong suốt giai đoạn đó.
Nguồn IEA.
Tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo rất quan trọng đối với các nước phải thực hiện nghĩa vụ cắt giảm phát thải khí hậu theo Hiệp định Khí hậu Paris hồi cuối năm 2015 nhằm kiềm chế nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C trước cuối thế kỷ này. Các chính sách khí hậu tại Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trên toàn cầu khi các nhà máy điện than đang dần được thay thế bởi khí đốt thiên nhiên và năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất và lắp đặt. Dự kiến chi phí cho các tuabin gió lắp đặt ngoài biển sẽ giảm 15% từ nay tới năm 2021, và chi phí cho các tấm pin năng lượng mặt trời cũng sẽ giảm 25%.
Một phân tích của chuyên trang Bloomberg New Enerrgy Finance mới đây cho thấy, sự sụt giảm trong chi phí năng lượng tái tạo cũng đồng nghĩa với các khoản đầu tư cho năng lượng tái sinh sẽ giảm đi ngay cả khi các trang trại điện gió và điện mặt trời vẫn không ngừng mọc lên.
Chi phí đầu tư giảm có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho năng lượng tái tạo, trong đó các nhà phát triển có thể áp dụng nhiều công nghệ điện gió và điện mặt trời tiên tiến với giá thành và chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên cũng có nhiều lo ngại xoay quanh vấn đề suy giảm đầu tư năng lượng tái tạo trong 9 tháng qua. Đầu từ năng lượng sạch toàn cầu trong Q3/2016 đã giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Và để đạt được kết quả như IEA dự báo trong nhiều năm tới, chính sách ưu đãi năng lượng sạch cần phải được mở rộng hơn nữa để cạnh tranh với năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Dự kiến, nguồn điện gió và điện mặt trời sẽ tăng trưởng mạnh nhất tại Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nhật Bản và khối liên minh Châu Âu, nơi các chính sách năng lượng tái tạo đang được ưu tiên mạnh mẽ.
Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 60% tại Trung Quốc trong 5 năm tới, góp phần giúp Chính phủ Trung Quốc sớm đóng cửa các nhà máy điện than gây ô nhiễm môi trường.