Nắn tín dụng vào các dự án bất động sản để phục vụ nhu cầu thực của người dân
Chính sách giúp thị trường ổn định
Những chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện đang được điều chỉnh theo hướng thắt chặt đối với mảng bất động sản. Diễn biễn từ đầu năm 2019 cho thấy các ngân hàng đã giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%, tăng hệ số rủi ro với hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Những ngân hàng như Techcombank đã có những giải pháp "đi trước, đón đầu" để đồng hành cùng chính sách, đáp ứng nhu cầu an cư lạc nghiệp của người dân. Tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Techcombank tại thời điểm 30/9/2019 là 36,1%.
Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của thi trường dân số trẻ với qui mô 100 triêu người tại Việt Nam vẫn rất lớn. Dữ liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường cho biết, mỗi năm ở Việt Nam có thêm 200.000 cặp đôi kết hôn và có nhu cầu ra ở riêng, gần nửa triệu gia đình có nhu cầu đổi chỗ ở mới.
Theo một khảo sát của AC Nielsen, trước đây người trẻ thường vay mượn người thân, bạn bè để có tiền mua nhà thì nay 65% số người được hỏi lựa chọn đến ngân hàng thay vì nhờ vả người thân.
Số liệu của NHNN công bố cho thấy tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt gần 1,4 triệu tỉ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản đạt 473.700 tỉ đồng (chiếm 34%), tăng khoảng 2% trong khi tín dụng tiêu dùng bất động sản đạt 919.600 tỉ đồng (chiếm 66%) và tăng 9,4%.
Dữ liệu này cho thấy, phần vốn trực tiếp cho vay kinh doanh bất động sản với các chủ đầu tư của các nhà băng tăng thấp, thậm chí giảm, còn vốn cho người dân vay tiêu dùng với mục đích mua nhà để ở như căn hộ chung cư vẫn tiếp tục gia tăng.
Các chuyên gia nhận định, việc NHNN siết tín dụng có thể tác động tạm thời đến doanh nghiệp bất động sản, nhưng về lâu dài sẽ làm ổn định và làm lành mạnh hoá thị trường.
"Việc kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản cần có lựa chọn, tăng cường nguồn vốn cho các dự án hoàn thành nhanh và phát huy hiệu quả, hạn chế cung vốn cho các chủ đầu tư thiếu năng lực, để dự án đắp chiếu kéo dài", TS Lê Xuân Nghĩa lưu ý thêm.
Bám sát nhu cầu ở thực của người dân
Giao dịch tại ngân hàng Techcombank (Ảnh: Techcombank).
Số liệu tín dụng bất động sản tại Techcombank, ngân hàng đang giữ kỉ lục 16 quí tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận liên tiếp, cho thấy ngân hàng bám sát xu hướng thị trường. Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng bất động sản tại Techcombank đạt 113.186 tỉ đồng, trong đó cho vay trực tiếp các chủ đầu tư dự án và nhà thầu chỉ chiếm tỉ trọng 35%, còn lại là cho khách hàng vay mua nhà theo hình thức trả góp từ thu nhập cố định hàng tháng (chiếm tỉ lệ chủ yếu) và có tài sản đảm bảo là nhà đất.
Mô hình tín dụng phục vụ nhu cầu nhà ở của Techcombank được đánh giá cao ở hiệu quả giảm thiểu rủi ro tập trung tín dụng. Đây là sản phẩm được thiết kế theo chuỗi, trong đó có cho vay chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở, nhà thầu xây dựng, nhà cung cấp nguyên vật liệu, doanh nghiệp trang trí nội thất, cung cấp thiết bị hoàn thiện... và đến người mua nhà để ở.
Quản trị rủi ro được tập trung ở một đầu mối là ngân hàng và liên thông về dữ liệu ở các mắt xích của chuỗi, do đó dòng tiền cho vay được truy xuất và quản lí chặt chẽ. Bên cạnh đó, do tập trung chủ yếu vào khách hàng vay mua nhà để ở, có phương án và dòng tiền trả nợ rõ ràng, nên tỉ lệ nợ xấu về tín dụng bất động sản của Techcombank, theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng, chỉ ở mức 0,5%.
Quản trị rủi ro tốt là một yếu tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Techcombank. Techcombank cũng là ngân hàng duy nhất cam kết đầu tư đến 300 triệu USD để nâng cao hệ thống hạ tầng công nghệ từ 2016-2020 để đảm bảo quá trình trải nghiệm của khách hàng.
Dự án "Qui trình vay mua nhà trên công nghệ M+" của Techcombank giúp tăng cường tính minh bạch trong qui trình vay, giúp khách hàng có thể chủ động nắm bắt được tiến độ hồ sơ xử lí khoản vay xuyên suốt hành trình vay.
Theo bà Nguyễn Vân Linh, Giám đốc dự án M+ của Techcombank, hành trình vay mua nhà với quy trình số hóa M+ có tỷ lệ hồ sơ được phê duyệt so với hồ sơ khởi tạo đạt đến 96%. Đặc biệt, thời gian xử lí hồ sơ từ bước khởi tạo hồ sơ đến hoàn thành phê duyệt, trả kết quả hạn mức tín dụng được rút ngắn chỉ còn 20 phút. Thời gian xử lí hồ sơ từ bước khởi tạo đơn vay tới khi hoàn thành giải ngân chỉ mất 4 ngày làm việc.
Sự song hành của các tổ chức tín dụng sẽ giúp cho sự phát triển của thị trường bất động sản. Vì vậy, việc các ngân hàng kiểm soát tốt dòng tiền cho vay tín dụng mua nhà để ở không chỉ giúp các ngân hàng phát triển ổn định, nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán ACB (ACBS) tháng 11/2019, Techcombank đã sẵn sàng bứt phá cho giai đoạn phát triển kế tiếp với chiến lược rõ ràng và chiến lược kinh doanh tham vọng, nhất là khi xây dựng chiến lược dựa trên chuỗi giá trị. Đây là nền tảng giúp Techcombank có thể mở rộng cơ sở khách hàng với chi phí thấp hơn đối thủ, cũng như chuyển dịch cơ cấu doanh thu sang thu nhập ngoài lãi nhờ đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu khách hàng.