|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nan giải chống ngập tại TP HCM - Bài 3: 'Loay hoay' chống ngập

23:20 | 17/06/2020
Chia sẻ
Để chống ngập cho TP HCM, hàng loạt dự án với chi phí hàng chục nghìn tỉ đồng đã được triển khai nhưng mức độ hiệu quả dường như vẫn đang là câu hỏi lớn.
Nan giải chống ngập tại TP HCM - Bài 3: 'Loay hoay' chống ngập - Ảnh 1.

Chiều 16/6/2020, tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xuất hiện mưa lớn kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ trên diện rộng, khiến nhiều tuyến đường, khu vực bị ngập sâu. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Chống ngập tại thành phố đang trong cảnh “loay hoay”, chắp vá. Quá trình triển khai chống ngập tại một số khu vực và một số dự án lớn cho thấy rõ hơn điều này.

* “Rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh

Đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, được xem là “rốn” ngập của thành phố. Để giải quyết ngập cho tuyến đường này, thành phố đã thuê máy bơm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung với giá 14,2 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tình thế và trên thực tế, mỗi lần mưa lớn, một số đoạn trên tuyến đường lại ngập nặng, dù sông Sài Gòn – nơi tiêu nước lý tưởng bậc nhất nằm sát cạnh.

Sông Sài Gòn chạy song song với đường Nguyễn Hữu Cảnh. Dọc sông là hàng nghìn căn hộ cao tầng, chưa kể nhiều dự án nhà ở hiện hữu cũng tồn tại ngay mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Việc xây dựng quá nhiều dự án nhà ở cao tầng đã tăng tốc độ bê tông hoá mặt đất, giảm không gian cho nước (tiêu, thoát và thẩm thấu) dẫn tới việc ngập cục bộ khu vực.

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, khoảng 20 năm trước, đường Nguyễn Hữu Cảnh không ngập. Tuy nhiên, do phát triển nóng các dự án nhà ở cao tầng dọc tuyến đường này nên 2 km đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Văn Thánh 2 trở thành “rốn ngập” của thành phố.

Các dự án nhà ở cao tầng đều bê tông hoá, nâng nền khu vực xây dựng, dẫn tới nước mưa đổ dồn ra đường Nguyễn Hữu Cảnh rất nhanh, trong thời gian ngắn mà không thoát ra sông Sài Gòn. Vì thế, dùng máy bơm chống ngập cũng chỉ là giải pháp tình thế, không bền vững.

Thời gian qua, thành phố đã bỏ ra rất nhiều tiền để chống ngập tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, thậm chí đang tính toán dự án nâng cốt nền tuyến đường này với kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên các giải pháp này không bền vững.

Cách làm đúng đối với tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh là khi phát triển dự án nhà ở cao tầng, cứ 100 - 200 m dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh phải có đường ống thoát nước ra sông. 

Muộn còn hơn không, thành phố cũng nên thương lượng với các chủ đầu tư dự án nhà ở làm các hồ điều tiết trong khu vực dự án để gom nước sau đó thoát nước ra sông Sài Gòn qua hệ thống thoát nước.

“Tương tự tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh là đoạn 2 km đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 cũng chạy sát sông Sài Gòn. Cảng Sài Gòn đã di dời và dự kiến sẽ xây dựng các dự án nhà ở cao tầng.

Nếu không làm tốt quy hoạch ngay từ khi cấp phép các dự án dọc đường Nguyễn Tất Thành thì kịch bản sẽ lặp lại như đã từng diễn ra ở tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Lúc đó, thành phố sẽ phải chi hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng chống ngập cho tuyến đường mà vẫn không hiệu quả”, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.

* Ngổn ngang các dự án lớn

Để chống ngập do triều cường, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chấp thuận triển khai dự án ngăn triều quy mô gần 10.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm chủ đầu tư. Đây là dự án đầu tư lớn, không chỉ về tiền của mà còn đặt nặng niềm tin, sự kỳ vọng, hy vọng của lãnh đạo Trung ương, chính quyền và nhân dân Tp. Hồ Chí Minh.

Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm Tp. Hồ Chí Minh. 

Nan giải chống ngập tại TP HCM - Bài 3: 'Loay hoay' chống ngập - Ảnh 2.

Nước ngập sâu tại đường Kha Vạn Cân (Quận Thủ Đức). Ảnh: Hồng Giang - TTXVN.

Dự án sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, bề rộng cống từ 40 – 160 m, cao trình đáy cống từ -3,6 m đến -10 m. Dự án cũng xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh giai đoạn 1 (dài 7,8km), 25 cống nhỏ có khẩu độ từ 1 – 10m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối…

Tuy nhiên, khởi công từ giữa năm 2016 nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành dù đã quá thời gian ấn định trong hợp đồng là vào tháng 4/2018. Tiếp đó, chủ đầu tư “khất hẹn” thời gian hoàn thành lần lượt trong tháng 6/2019, cuối năm 2019 và gần đây nhất là vào tháng 10/2020.

Nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là vướng giải phóng mặt bằng, các khiếu nại của liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng về thiết kế cơ sở, thay đổi thép vật liệu cửa van cũng như quy trình triển khai dự án theo hợp đồng BT, việc giải ngân vốn, thanh kiểm tra của cơ quan chuyên ngành. Hiện nay, dự án đã thi công phần xây dựng đạt khoảng 77%, tổng giá trị thực hiện dự án đạt 67%.

Tương tự dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là dự án Vệ sinh môi trường Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 524 triệu USD. 

Dự án này cũng chậm tiến độ do nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là những khiếu nại về lựa chọn nhà thầu tại gói thầu XL-02 (xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè ở quận 2) là gói thầu quan trọng nhất.

Hàng loạt dự án khác cũng ngổn ngang không kém. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Tp. Hồ Chí Minh, công trình cải tạo hệ thống thoát nước khu vực Quốc lộ 13 – Đinh Bộ Lĩnh – Nguyễn Xí – Ung Văn Khiêm (phường 25, 26, quận Bình Thạnh) vẫn còn vướng mặt bằng.

Dự án cải tạo kênh Ba Bò vẫn chưa thể hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (giai đoạn 1) đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư sau khi Ngân hàng Thế giới rút vốn tài trợ do vướng công tác bàn giao mặt bằng.

Trong khi đó, mặc dù đã đấu thầu khởi công từ năm 2019 trở về trước nhưng dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi vẫn đang trong giai đoạn thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất.

Hay như dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến Vòng xoay An Lạc, vẫn còn 2 gói thầu chưa thực hiện xong dù một số gói thầu đã thi công hoàn thành từ cuối năm 2016…

Bài 4: "Khắc khoải" những kênh thoát nước 

Trần Xuân Tình

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.