|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nan giải chống ngập tại TP HCM: Bài 2 - 'Điệp khúc' mưa là ngập

21:00 | 17/06/2020
Chia sẻ
Ngập xảy ra ngay cả những tuyến đường mà dự án cải tạo hệ thống thoát nước mới được đưa vào sử dụng.
Nan giải chống ngập tại TP HCM: Bài 2 - 'Điệp khúc' mưa là ngập - Ảnh 1.

Nước ngập hơn nửa bánh xe trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) khiến người dân phải dắt bộ vất vả. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Dù mùa mưa chỉ mới bắt đầu nhưng một số cơn mưa vào cuối tháng 5 và những ngày tháng 6 vừa qua đã gây ngập tại nhiều tuyến đường Tp. Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, ngập xảy ra ngay cả những tuyến đường mà dự án cải tạo hệ thống thoát nước mới được đưa vào sử dụng.

* Mùa đầu mưa, ngập triền miên

Cơn mưa kéo dài 30 phút cuối tháng 5 đã khiến đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 đoạn từ đường Song Hành đến Quang Trung ngập hơn 0,5m. 

Nước tràn cả vào nhà người dân khiến sinh hoạt và hoạt động buôn bán bị gián đoạn. Đây là tuyến đường đã được ngân sách bỏ ra hơn 160 tỷ đồng để nâng cấp thệ thống thoát nước.

Ông Nguyễn Văn Bé, người dân bán quán mặt đường Nguyễn Văn Quá cho hay, trước đây thấy đơn vị thi công lắp đặt cống thoát nước, người dân nghĩ rằng sẽ hết ngập nhưng không ngờ chỉ mới đầu mua mưa mà đã ngập nặng.

Cách đó không xa, cơn mưa lớn diễn ra cuối tháng 5 cũng đã gây ngập cục bộ tuyến đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp. 

Đúng vào lúc tan tầm nên tuyến đường này kẹt xe cục bộ, người và phương tiện bì bõm trong mặt nước ngập sâu 0,3- 0,5m. 

Rác thải tuần từ các cống tràn lên đường gây mùi hôi thối. Chị Nguyễn Minh Trang, nhà gần góc đường Phan Huy Ích với Trường Chinh cho biết, trước đây khu vực này chỉ ngập khi mưa lớn và nước thoát tương đối nhanh. Tuy nhiên năm nay mùa mưa chỉ mới bắt đầu mà nước đã ngập lênh láng.

Còn tại quận Bình Thạnh, “tâm điểm” ngập tập trung ở tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đây là tuyến đường mà điệp khúc “mưa – ngập” diễn ra thường xuyên. 

Người dân vất vả lưu thông trên con đường này mỗi khi mưa lớn, kéo dài. Để chống ngập cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố đã chi 14,2 tỷ đồng/năm thuê máy bơm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung.

Trong khi đó, cơn mưa trên diện rộng kéo dài khoảng 2 tiếng vào chiều 13/6 vừa qua đã khiến nhiều tuyến đường ngập sâu như đường Phan Anh (quận Tân Phú), Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức)… 

Đáng chú, một số khu vực trong bến xe miền Tây (quận Bình Tân) như khu bán vé, nhà chờ, bãi đỗ xe lênh láng nước, khiến nhiều chuyến xe lùi thời gian khai thác. Để kịp giờ xuất bến, nhân viên của hãng xe Phương Trang phải đặt dãy ghế nối với cửa xe để cho khách lên.

Tương tự, đường Hoàng Văn Thụ, đoạn trước công viên Hoàng Văn Thụ quận Tân Bình ngập nửa bánh xe trong cơn mưa chiều hôm qua 16/6. 

Nước tràn từ đường Trường Sơn, Phan Thúc Duyện xuống khu vực công viên nhưng do nước không thoát kịp vào cống thoát nước nên ngập lênh láng. Đúng vào giờ cao điểm, các phương tiện từ sân bay Tân Sơn Nhất đổ về hướng Lăng Cha Cả đã gây ùn tắc cục bộ khu vực.

Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, yừ đầu năm 2020 đến nay, thành phố có mưa trên diện rộng, trong đó có 3 trận mưa lớn với vũ lượng từ 70 mm đến 112,3mm gây ngập 22 tuyến đường. Chiều sâu ngập đo được tại vị trí 1/4 chiều rộng mặt đường từ 0,1 - 0,3 m.

Các tuyến đường bị ngập như Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân…

* Vẫn chưa hết ngập

Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, trong 5 năm triển khai chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020, số kinh phí ngân sách thành phố đầu tư cho hoạt động chống ngập thấp nhất là 796 tỉ đồng năm 2016, cao nhất là khoảng 2.222 tỷ đồng vào 2020. 

Đến nay, tổng cộng toàn bộ kinh phí đã đầu tư cho công tác chống ngập là 25.998 tỉ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Nan giải chống ngập tại TP HCM: Bài 2 - 'Điệp khúc' mưa là ngập - Ảnh 2.

Đường Tân Hoà Đông (quận Bình Tân) bị ngập sâu. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN.

Rõ ràng ngân sách thành phố đã bỏ ra không ít và mặc dù lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm và dành nhiều ưu tiên chính sách cho việc chống ngập, thậm chí chống ngập được đưa vào 7 chương trình đột phá nhiệm kỳ 2016 – 2020 nhưng đến nay hiệu quả các dự án vẫn đang còn là một câu hỏi lớn.

“Chúng tôi sống trong hẻm, cứ mỗi lần mưa xuống là hết sức khốn khổ vì nước từ ngoài đường tràn vào lênh láng, trôi nổi đồ đoàn, nước bẩn tanh hôi. Còn ra đường chở con cái đi học là nước ngập cả bánh xe, nếu đi vào hố ga trên đường thì rất nguy hiểm.

Người dân trông chờ các dự án chống ngập và tin tưởng nhiều dự án lớn với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ giúp thành phố chống ngập, cải thiện tình hình tuy nhiên thực tế chưa đáp ứng được kỳ vọng”, anh Lê Huỳnh Đăng Khoa, người dân sống khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho hay.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn trong công tác chống ngập hiện nay mà Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung là đang phải đối mặt với kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khiến nhiều khu vực sẽ ngập nặng hơn trong tương lai gần. 

Các cơn mưa lớn, kéo dài kết hợp triều cường sẽ khiến cho việc tiêu thoát nước từ khu vực trung tâm ra bên ngoài diễn ra khó khăn, thậm chí nước từ bên ngoài có thể tràn chảy vào phía trong, gây ngập cục bộ.

Trong khi đó, tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh, hệ thống thoát nước hiện hữu đang quá tải. Theo ông Vũ Văn Điệp, kết cấu hạ tầng thoát nước hiện hữu của thành không theo kịp tốc độ đô thị hoá, bê tông hoá quá nhanh nên vào thời điểm gặp điều kiện thời tiết cực đoan như những trận mưa lớn vũ lượng cao đã gây ngập một số tuyến đường, một số điểm trong khu đô thị.

Cùng với đó là ý thức của người dân vứt rác bừa bãi, gây tắc hố ga thoát nước, làm nghẽn dòng kênh, rạch. Nhiều hộ kinh doanh còn bịt chắn toàn bộ hố ga thoát nước khiến hệ thống thoát nước không thu được nước mưa.

Về “điểm nóng” Nguyễn Hữu Cảnh, ông Vũ Văn Điệp cho rằng, thời gian qua mưa lớn, hệ thống thoát nước khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún sụt, quá tải nên việc tiêu thoát bằng máy bơm chống ngập phải phụ thuộc nhiều vào khả năng đưa nước từ đường về máy bơm. 

Trong khi hệ thống cống dẫn nước về trạm bơm chưa đủ tiết diện nên không đảm bảo, dù công suất máy bơm đáp ứng.

Ông Vũ Văn Điệp thông tin thêm, hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang triển khai dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng lại hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh với mục tiêu giải quyết hết ngập tuyến đường này. 

Tuy nhiên, cũng cần đánh giá tình hình ngập khu vực này để quyết định có duy trì hay không hệ thống bơm chống ngập.

Hiện UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật tiếp tục theo dõi đánh giá hiệu quả chống ngập đối với tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh và báo cáo cho UBND thành phố. Nếu dự án đầu tư xong, đường Nguyễn Hữu Cảnh không còn ngập nữa thì không duy trì máy bơm chống ngập…

Bài 3: "Loay hoay" chống ngập 

Xuân Tình

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.