Năm 'nước rút' 2019, tăng trưởng bao nhiêu là đủ?
Mục tiêu nào cho tăng trưởng năm 2019?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, như thông lệ, đang bắt đầu dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, để trình Chính phủ ký ban hành vào đầu tháng 7 tới. Dự thảo này cũng đã được gửi tới các bộ, ngành lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện.
Sản xuất tại Nhà máy GTFV của Hồng Kông tại Hải Dương. Ảnh: Đức Thanh |
Một hoạt động mang tính thường niên, nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi lẽ, năm 2019 được coi là năm “bản lề”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, thậm chí là Chiến lược 10 năm 2011 - 2020.
Là năm có ý nghĩa “nước rút”, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019 sẽ là “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2018, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực…”.
Như vậy, đã có những khác biệt so với mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Vẫn ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, song năm 2019, mục tiêu đã rõ ràng hơn: tăng trưởng GDP sẽ cao hơn năm 2018. Con số chưa được đưa ra cụ thể, bởi hiện thời, mới có số liệu về tăng trưởng GDP quý I/2018, chưa đủ dữ liệu để “dựng” kịch bản cho nền kinh tế trong năm tới.
Tuy nhiên, sau mức tăng trưởng GDP quý I/2018 ở mức 7,38%, cộng thêm các dự báo tương đối lạc quan về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, thì nhiều khả năng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,7 - 6,8%.
Thậm chí, có cái nhìn tích cực hơn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) còn đưa ra con số tăng trưởng 7,1%, cao hơn tới 0,4 - 0,6 điểm phần trăm so với mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua. “Được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2018, là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.
Trong khi đó, mới đây, báo cáo Thủ tướng, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn của Thủ tướng còn cho biết, Tổ Tư vấn đã đưa ra 3 kịch bản khi dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, kịch bản 1, tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,71%/năm, kịch bản 2 là 6,83%/năm và kịch bản 3 là 7,47%/năm. Từ 3 kịch bản này, được tính toán dựa trên mô hình kinh tế lượng dạng cấu trúc, Tổ Tư vấn đã đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm tới, từ 2018 - 2020, ở mức 6,85%.
Những dự báo tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam cho thấy, mức tăng trưởng 6,7 - 6,8%, thậm chí cao hơn, có thể sẽ được coi là mục tiêu hợp lý của tăng trưởng kinh tế năm 2019.
Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế
Không chỉ là kỳ vọng một mức tăng trưởng cao hơn, trong Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh câu chuyện “nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế” trong mục tiêu tổng quát năm 2019.
Điều này được cơ quan đóng vai trò “kiến trúc sư trưởng” của nền kinh tế lý giải là vì, năm 2019, bên cạnh những thuận lợi, kinh tế Việt Nam đã và đang tiếp tục hội nhập sâu rộng, nên sẽ chịu ảnh hưởng nhiều chiều và mạnh mẽ hơn từ những biến động phức tạp, khó lường và chứa đựng nhiều rủi ro của tình hình quốc tế, nhất là các yếu tố bất định từ những điều chỉnh chính sách của Mỹ, kéo theo điều chỉnh chính sách của nhiều nước. Đó là chưa kể nguy cơ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt, sự gia tăng cạnh tranh về kinh tế, tài chính, bảo hộ thương mại giữa các nước, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ của các quốc gia... Do vậy, tăng khả năng chống chịu là cách tốt nhất để nền kinh tế Việt Nam có thể dễ dàng vượt qua các cú sốc đó.
Trên thực tế, kể từ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục đưa ra các chính sách mới, và trước nguy cơ bất ổn kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang rất lớn, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành sớm nghiên cứu để có giải pháp thích ứng.
Tổ Tư vấn của Thủ tướng cũng đã không ít lần cảnh báo điều này. Mới đây, Tổ Tư vấn lại tiếp tục đề cập “nguy cơ chiến tranh thương mại và tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc” để kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó.
Thêm vào đó, cũng theo Tổ Tư vấn, một điều quan trọng khác, phải làm sao để tìm được động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. “Tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy tăng năng suất lao động nội ngành cần được coi là mệnh lệnh chính trị nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng và tính bền vững của nền kinh tế, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo”, ông Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh.